Tận dụng tối đa lợi thế
Theo đánh giá của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển ngành chế biến nông sản, thực phẩm; không chỉ đơn thuần là tiềm năng về xuất khẩu mà còn cả tiêu thụ trong nước.
Phân tích vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam là thị trường lớn với quy mô hơn 90 triệu dân, có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 10 năm qua duy trì ở mức 6,5%/năm.
Một yếu tố quan trọng khác cũng giúp thúc đẩy ngành sản xuất thực phẩm phát triển là thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Hiện người tiêu dùng đã chuyển thói quen tự chế biến sản phẩm thực phẩm sang sử dụng sản phẩm đã qua chế biến.
Kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, đến năm 2020, ngành sản xuất sữa được dự báo tăng đạt mức 28 lít/người/năm.
Còn với lĩnh vực bánh kẹo sẽ duy trì mức tăng trưởng 10%/năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của các nước trong khu vực, vốn được dự báo tăng 3%/năm. Với ngành nước giải khát sẽ tăng trưởng mạnh, từ 4,8 tỷ lít hiện nay lên 6,8 tỷ lít và bánh kẹo gia tăng từ mức 17kg/người hiện tại lên 20kg/người…
Không dừng ở thị trường trong nước, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam còn có cơ hội tham gia thị trường xuất khẩu với rất nhiều lợi thế. Tính đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 13 hiệp định thương mại tự do, nâng số quốc gia và vùng lãnh thổ có giao dịch thương mại với Việt Nam lên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong đó, có 50 quốc gia, vùng lãnh thổ được xác định là thị trường truyền thống, chủ lực của hàng xuất khẩu Việt Nam với kim ngạch nhiều tỷ USD.
Theo bà Phạm Thị Quỳnh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, chỉ tính riêng Hiệp định Đối tác toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mở ra cho Việt Nam thị trường xuất khẩu rộng lớn với 500 triệu dân và quy mô thị trường chiếm 13,5% GDP toàn cầu.
Hiệp định CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% vào năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Cũng theo Bộ Công thương, với riêng từng thành viên Hiệp định CPTPP, mức kim ngạch bình quân đạt hơn 6,7 tỷ USD/thị trường.
Không những thế, tại các thị trường xuất khẩu, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã dần đạt được chỗ đứng nhất định. Vấn đề còn lại là Bộ Công thương nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu sản phẩm, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô để từng bước gia tăng giá trị nông sản, thực phẩm xuất khẩu.
Không thể mãi kêu khó
Tiềm năng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm rất lớn. Tuy nhiên, thách thức của doanh nghiệp trong nước chính là nội lực sản xuất còn yếu và thiếu.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, nhận định phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành lương thực thực phẩm là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên còn hạn chế về quy mô, vốn và công nghệ. Rất ít doanh nghiệp có quy mô đủ lớn để tạo lập chuỗi cung ứng và có khả năng dẫn dắt doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ hơn cùng phát triển.
Chưa hết, nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước thiếu và không ổn định, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp không chủ động về số lượng, chất lượng, giá cả nguyên liệu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một yếu tố khác, các doanh nghiệp lớn trong ngành lương thực thực phẩm rất khó khăn trong việc liên kết phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Doanh nghiệp cũng không dễ tiếp cận kênh phân phối bởi mức chiết khấu vẫn còn khá cao, từ 15% - 25%.
Để tháo gỡ những rào cản cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu cho rằng, Việt Nam cần chuẩn hóa quy trình canh tác cho nông dân và sản xuất cho doanh nghiệp theo tiêu chuẩn toàn cầu để rút ngắn khoảng cách tiếp cận thị trường trong nước cũng như nước ngoài.
Ở cấp cao hơn, cần giải quyết sự bất cập trong công tác quản lý giữa 3 bộ: Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Y tế. Những thay đổi trong tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường các nước trên thế giới do Bộ Công thương phụ trách, nhưng để thay đổi cơ cấu, kỹ thuật canh tác và chất lượng sản phẩm sản xuất thực phẩm trong nước lại thuộc về 2 bộ còn lại nên có sự gián đoạn nhất định trong việc tiếp nhận và chuyển đổi.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu dù rất muốn hợp tác với các đơn vị có chức năng của Việt Nam nhằm cập nhật và hỗ trợ kịp thời những thay đổi trong tiêu chuẩn chất lượng nông sản, thực phẩm nhưng cũng rất khó vì không xác định được đơn vị chủ quản.
Ở góc độ nhà phân phối, bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc chuỗi cung ứng Saigon Co.op, cho rằng doanh nghiệp sản xuất phải xây dựng tiêu chuẩn kết hợp duy trì chất lượng sản phẩm. Tránh tình trạng chỉ xây dựng để đối phó với cơ quan chức năng và không áp dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Về vấn đề bao bì, phải tính toán lại, không nên bám lấy quan điểm của mình mà cần nhìn nhận khách quan theo sự đồng thuận của thị trường và đáp ứng khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chủ động trong việc thông tin, tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm, không thể mãi kêu khó và trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn chất lượng nông sản, thực phẩm… cần thiết phải có bộ phận chuyên trách. Bộ phận này có trách nhiệm cập nhật, thậm chí dự báo được những thay đổi, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xuất nhập khẩu. Bộ phận này có đủ năng lực, trang thiết bị cần thiết để làm việc với các thị trường để nắm bắt những tiêu chuẩn chất lượng mới. Đồng thời, đủ năng lực triển khai hỗ trợ cho hoạt động canh tác, sản xuất trong nước. |