Siết điều kiện mở ngành
Thông tư số 28 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 28-12-2023 về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học (áp dụng từ năm 2024 thay thế Thông tư số 10 ngày 28-4-2017) có nhiều điểm mới nhằm siết lại chất lượng hệ đào tạo này.
Cụ thể, Thông tư 28 quy định hình thức đào tạo từ xa là hình thức đào tạo có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa phương thức đào tạo từ xa mạng máy tính và viễn thông, thư tín, phát thanh - truyền hình; chương trình đào tạo từ xa chỉ thực hiện với ngành đã tuyển sinh tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy; không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Ngoài những điều kiện về mở ngành, cơ sở hạ tầng, Thông tư 28 cũng nâng cao điều kiện về đội ngũ giảng viên. Theo đó, đội ngũ giảng viên, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý phải đáp ứng đủ về số lượng, chất lượng, trình độ, cơ cấu; đã được bồi dưỡng về kỹ năng, phương pháp giảng dạy và quản lý đào tạo từ xa.
Đồng thời, tối đa 30% khối lượng chương trình đào tạo từ xa được thực hiện bởi giảng viên thỉnh giảng; được tăng lên tối đa 50% khi giảng viên thỉnh giảng là giảng viên cơ hữu của cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định...
Theo đại diện nhiều trường có chương trình đào tạo từ xa, Thông tư 28 yêu cầu khá cao về vấn đề học liệu, trong khi thông tư trước đây chưa quan tâm đến vấn đề này.
Cụ thể, đối với phương thức mạng máy tính và viễn thông, học liệu chính là học liệu điện tử và học liệu số; đối với phương thức thư tín, học liệu chính là tài liệu in (giáo trình biên soạn cho đào tạo từ xa, sách tham khảo, tài liệu hướng dẫn học tập, nghiên cứu, sách bài tập, tài liệu hướng dẫn thi, kiểm tra...); đối với phương thức phát thanh - truyền hình, học liệu chính là các chương trình phát thanh, truyền hình.
Trong khi đó, quy định cũ chỉ yêu cầu cơ sở giáo dục đại học được thực hiện chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học đối với những ngành đã có quyết định cho phép mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ đại học, không yêu cầu phải tuyển sinh tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy như Thông tư 28.
Chú trọng chuẩn chất lượng
Trường Đại học Trà Vinh thực hiện chương trình đào tạo từ xa từ năm 2017 (theo Thông tư 10). Đến nay, trường đặt trạm đào tạo từ xa tại 10 đơn vị liên kết và tuyển sinh 7 ngành đào tạo, gồm: Luật, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh và Chính trị học, với quy mô hơn 9.000 sinh viên. Riêng đào tạo tại trường có hơn 1.000 sinh viên.
Theo đại diện nhà trường, các điều kiện để tổ chức đào tạo từ xa như đội ngũ giảng viên, hạ tầng kỹ thuật, giáo trình, thư viện điện tử... đã được chuẩn hóa. Tuy nhiên, với Thông tư 28, nhà trường sẽ nâng chuẩn thêm các điều kiện về đội ngũ giảng viên. Trong thời gian tới, nhà trường cũng hướng đến kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo từ xa.
Hai đơn vị tiên phong trong đào tạo từ xa là Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TPHCM cũng cho rằng, hiện nay đang có sự “đồng hóa” giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo từ xa. Dù có cùng mục tiêu là ứng dụng triệt để công nghệ vào đào tạo, giảng dạy nhưng cần phân biệt rõ ràng giữa hai hình thức đào tạo này.
Đào tạo trực tuyến hiện nay ở nhiều trường chỉ áp dụng 30% số tín chỉ với chương trình đào tạo đại học chính quy; còn đào tạo từ xa là hệ đào tạo chính thức, có quy chế rõ ràng và cấp bằng cho người học theo hình thức đào tạo từ xa. Do đó, hình thức đào tạo từ xa cũng cần phải đảm bảo chất lượng, kiểm tra đánh giá định kỳ và tiến tới kiểm định chương trình đào tạo này như chương trình đào tạo chính quy.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, cho rằng, theo Luật Giáo dục đại học thì bằng cấp hiện nay không phân biệt giữa các loại hình đào tạo. Do đó, giữa các chương trình đào tạo từ chính quy cho đến vừa làm vừa học hay đào tạo từ xa đều như nhau.
Tuy nhiên, hiện nay công tác kiểm định chất lượng đào tạo chỉ quan tâm đến chương trình đào tạo chính quy. Để xã hội có cái nhìn không thiên lệch về chất lượng đào tạo của hệ vừa làm vừa học hay hệ đào tạo từ xa, cần phải minh chứng bằng chất lượng. Do đó, cần phải có những tiêu chí cụ thể và thang đo để đẩy mạnh công tác đánh giá, kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo của hệ đào tạo từ xa.
Mới đây, Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học Việt Nam (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức hội thảo “Đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam”. Nhiều chuyên gia kiến nghị nên có hình thức đào tạo trực tuyến toàn phần và có quy chế đào tạo cho hình thức đào tạo trực tuyến theo hình thức đào tạo từ xa.