Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, trưởng đoàn giám sát, cho biết, kết quả quan trọng nhất của giám sát là ra được dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6 (dự kiến tháng 10-2023).
Theo Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15, phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên phạm vi cả nước (trọng tâm là Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch), từ ngày 1-1-2016 đến hết ngày 31-12-2021. Đối tượng giám sát là Chính phủ; các bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; UBND 63 tỉnh, thành trực thuộc trung ương.
Sáng cùng ngày, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia phục vụ đoàn giám sát về vấn đề này. Tại hội thảo, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhìn nhận, cần xác định thứ tự ưu tiên cao nhất là bảo vệ môi trường, từ đó thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp. TS Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, đề nghị, đoàn giám sát cần quan tâm đến từng phân ngành của thị trường năng lượng; tính liên kết và khả năng cạnh tranh giữa các phân ngành cũng như nguồn nhân lực, hạ tầng cho phát triển các ngành năng lượng mới.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đề nghị đoàn giám sát tập trung vào vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, hiệu quả khai thác và sử dụng năng lượng, cơ sở hạ tầng năng lượng, phát triển các thị trường năng lượng, chính sách giá năng lượng (bao gồm cả giá điện).