Đảm bảo hàng hóa cho thị trường
Kết quả đợt giám sát cho thấy, nhìn chung các nông dân, cơ sở sản xuất đã bắt đầu quan tâm đến “uy tín” nên sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm tạo thương hiệu cho nhiều người tiêu dùng biết đến.
Tại hộ trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP của ông Trần Văn Nghĩa (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh), nhằm đảm bảo nguồn hàng trước và sau dịp Tết Mậu Tuất 2018, ông Nghĩa đã canh thời vụ để gieo trồng.
Cụ thể, với diện tích ruộng hơn 6.000m2, ông Nghĩa cho biết đã bỏ bớt các loại củ quả khác, chỉ trồng trái khổ qua (được nhiều người tiêu dùng mua trong dịp tết).
Để cho ra thành phẩm, trái khổ qua phải trồng khoảng 50 ngày. Tương tự, 1/3 diện tích ruộng cũng trồng rau cải ngọt để 35 ngày sau ra thành phẩm cung ứng sau Tết Nguyên đán. Theo tính toán, trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 200kg, trải dài từ khoảng 24 tháng Chạp cho đến mùng 10 Tết.
Ông Trần Văn Nghĩa cho hay: “Toàn bộ sản phẩm cung cấp cho Hợp tác xã Phước An nên đã có giá sẵn trong hợp đồng, chỉ tăng một ít do các chi phí khác tăng, để bù lỗ. Nếu như năm ngoái thì tăng khoảng 2.000 đồng/kg, còn năm nay phải chờ đến cận ngày mới có thể biết được.
Toàn bộ sản phẩm đều được thực hiện đúng tiêu chuẩn VietGAP là không sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc trừ sâu và nguồn nước đảm bảo tiêu chuẩn. Nếu như sản xuất “gian lận”, bị phát hiện thì coi như toàn bộ sản phẩm không thể bán ở đâu được, do thị trường đều đã ổn định”.
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại Công ty sản xuất mứt Trí Đức
Tương tự, tại hộ bà Trần Kim Thành (xã Tân Nhựt) có hơn 2.000m2 nuôi cá rô phi, cá tra, được cho ăn cám viên. Ước tính, từ ngày 24 tháng Chạp đến mùng 10 Tết sẽ cung cấp khoảng 6.000kg cá thịt. Tuy giá cá vào dịp tết không tăng nhưng bù lại sản lượng tiêu thụ gấp đôi.
Đoàn đã đến giám sát cơ sở bánh tráng Thành Danh (huyện Củ Chi) là sản phẩm được dùng rất nhiều trong dịp tết. Tại đây, bánh tráng được sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại, nung trong lò hơi, toàn bộ các dây chuyền đều hoạt động bằng máy. Các công nhân làm trong cơ sở được trang bị bảo hộ đảm bảo an toàn, môi trường sản xuất sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh.
Tại Công ty Trí Đức (huyện Củ Chi, chuyên sản xuất mứt dừa, vỏ bưởi, ổi, đu đủ, gừng thành phẩm cho nhiều đối tác lớn, cung cấp cho hệ thống siêu thị), toàn bộ công đoạn chế biến thực phẩm đều được sản xuất bằng máy móc hiện đại, đã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng kiểm tra hoạt động của cơ sở giết mổ heo Phú Hòa (huyện Củ Chi) để tránh tình trạng tiêm thuốc an thần, bơm nước. Trung bình, một ngày lò giết mổ khoảng 400 con. Tại cơ sở Phú Hòa đã gắn 8 camera quan sát truyền tải về Chi cục Thú y TPHCM để giám sát. Cơ sở cũng đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Kiểm tra từ khâu sản xuất
Theo UBND huyện Bình Chánh, dự báo tình hình thị trường Tết Mậu Tuất năm 2018, giá cả một số loại nguyên liệu không có nhiều biến động do nguồn hàng hóa phục vụ tết được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất tập trung, các đơn vị phân phối chủ động chuẩn bị, cung cấp tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. UBND huyện phối hợp với Hội Nông dân huyện theo dõi tình hình thực hiện gieo trồng nông nghiệp phục vụ Tết Nguyên đán.
Huyện Củ Chi là vùng nguyên liệu lúa gạo, rau củ quả và thịt gia súc, gia cầm, cung cấp cho địa bàn TPHCM. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành hỗ trợ nông dân chuẩn bị giống vật nuôi, cây trồng phục vụ sản xuất. Hiện có 2.080ha diện tích sản xuất theo quy trình rau an toàn với sản lượng 232.000 tấn/năm, đạt chứng nhận VietGAP là 400ha rau.
Dự kiến sản lượng rau phục vụ Tết Mậu Tuất 2018 là hơn 1.900 tấn rau/ngày; trong đó rau đạt tiêu chuẩn VietGAP khoảng 40 tấn/ngày. Hiện nay trên địa bàn huyện có 4 cơ sở giết mổ, với công suất khoảng 1.000 con/ngày đêm.
Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng hàng đầu và kiểm tra định kỳ hàng tháng, không phải đợi đến dịp tết mới quan tâm. UBND huyện phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT để kiểm tra định kỳ các hộ sản xuất, chăn nuôi.
Đặc biệt, “tai mắt” giám sát chính là người dân, các nông dân sản xuất. Nếu phát hiện có trường hợp sử dụng thuốc, UBND huyện lập tổ kiểm tra lấy mẫu ngay. Hiện lực lượng chức năng kiểm tra bằng cảm quan là chủ yếu. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ thì lấy mẫu ngẫu nhiên, sau đó gửi đến cơ quan chuyên môn xét nghiệm.
Đồng thời, lực lượng chuyên môn của huyện cũng giám sát các cơ sở chế biến, sản xuất và siết chặt quản lý các lò giết mổ thủ công trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng tiêm thuốc an thần, bơm nước vào gia súc trước khi ra thị trường.
Không thiếu cây kiểng phục vụ tết
Huyện Bình Chánh dự kiến cung ứng khoảng 389ha hoa và cây kiểng. Trong đó, hoa mai vàng khoảng 277ha; bonsai, cây kiểng, hoa sứ khoảng 23ha; hoa lan khoảng 36ha; hoa nền khoảng 51ha. Cơ quan chức năng của huyện hỗ trợ giới thiệu nông dân tham gia các gian hàng mua bán hoa lan, cây kiểng tại chợ đầu mối Bình Điền và tiêu thụ thị trường trên địa bàn huyện gắn với các hoạt động hội hoa xuân, điểm mua bán hoa lan, cây kiểng tại các xã. Huyện Củ Chi cũng sẵn sàng cung cấp cho thị trường hoa kiểng 46.800 mai gốc, hơn 7.780 mai ghép và trên 977.300 cây kiểng, 465.600 chậu lan, 35 triệu cành lan và 230.000 chậu hoa nền như màu gà, hướng dương, sống đời…