TPHCM là thị trường tiêu dùng hàng hóa lớn nhất cả nước, nhất là trong thời điểm cuối năm, bởi đây là dịp người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho việc mua sắm các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025. Tuy nhiên, cuối năm cũng là thời điểm hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái “hoành hành” để trục lợi.
Theo các lực lượng chức năng, các hành vi vi phạm về hàng hóa tập trung chủ yếu vào gian lận về hóa đơn chứng từ để trốn thuế, chất lượng hàng hóa không đúng với công bố; không thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; niêm yết giá hàng hóa cao, không đúng với giá trị thật hoặc dùng “chiêu” giảm giá, đại hạ giá trà trộn bán hàng nhái, kém chất lượng… để thu lợi bất chính.
Trong bối cảnh đó, việc kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa ngay từ nơi sản xuất được cho là giải pháp nhằm mang đến những sản phẩm an toàn, chất lượng cho người dân TPHCM. Nói về kế hoạch này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM (còn được gọi là Tick xanh trách nhiệm) là nội dung được lãnh đạo, UBND TPHCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát động từ tháng 3-2024. “Chương trình là giải pháp nâng cao trách nhiệm của các chủ thể gồm nhà cung cấp, nhà bán lẻ, người tiêu dùng và nhà nước. Mục đích định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường (đại diện là các hệ thống bán lẻ) với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng”, ông Phương thông tin và cho biết, đến nay đã có 8 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam xác định rõ cam kết, kiên trì giải pháp triển khai chương trình.
Theo ông Phương, trong số các nhà bán lẻ tham gia, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) là đơn vị tiên phong công bố quy hoạch vùng nguyên liệu vào ngày 24-9. “Saigon Co.op rất nhanh nhạy và có chiến lược đúng đắn khi tiên phong triển khai cùng các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu để hỗ trợ các nhà sản xuất. Khi chúng ta có vùng nguyên liệu lớn thì có thể sản xuất lớn và dễ dàng ứng dụng khoa học - công nghệ để có sản phẩm chất lượng, an toàn hơn. Đặc biệt khi có vùng nguyên liệu lớn thì các sản phẩm sản xuất thủ công, sử dụng hóa chất sẽ bị cách ly khỏi vùng này. Như vậy, việc đảm bảo an toàn cho sản phẩm hiệu quả hơn nhiều so với sản xuất manh mún trước đây”, ông Phương đánh giá.
Cũng theo ông Phương, cùng với sự nỗ lực của các nhà bán lẻ, sở đang phối hợp với các tỉnh, thành để mở rộng triển khai chương trình đến các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng ở địa phương. Mục tiêu là tất cả sản phẩm lưu thông trên thị trường TPHCM đều có “Tick xanh trách nhiệm”, được kiểm soát và bảo đảm chất lượng, an toàn ở mức cao nhất.
Nằm trong kế hoạch này, mới đây các sở ngành của TPHCM đã phối hợp tổ chức hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa giữa tỉnh Đồng Nai và TPHCM. Sở dĩ TPHCM bắt tay hợp tác với tỉnh Đồng Nai, theo Sở Công thương TPHCM, do các nhà cung cấp của Đồng Nai có thế mạnh về sản phẩm gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả - đây cũng là những mặt hàng mà người dân TPHCM tiêu thụ nhiều. Đặc biệt, các nhà phân phối của TPHCM đã có giao thương, kết nối với nhiều nhà cung cấp tại Đồng Nai. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng thuận lợi cho các hệ thống phân phối, cơ quan quản lý nhà nước tại TPHCM khi việc sản xuất tại vùng nguyên liệu này được chuẩn hóa, theo quy trình giám sát chặt chẽ của nhà đầu tư.
Tại hội nghị này, hơn 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản của tỉnh Đồng Nai đã gặp gỡ bộ phận quản lý chất lượng của các nhà bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Bách hóa Xanh, Satra… để tìm phương án xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản chất lượng của tỉnh Đồng Nai tại TPHCM, tạo cơ sở để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại. Theo bà Nguyễn Thị Hoài, đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoài An Food, việc cung cấp các sản phẩm an toàn, chất lượng ra thị trường là trách nhiệm của nhà sản xuất. Từ đó, bà bày tỏ mong muốn được hỗ trợ để tham gia vào chương trình truy xuất nguồn gốc, hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, tham gia các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại TPHCM.
Có thể thấy, việc cơ quan chức năng của TPHCM tích cực triển khai chương trình kiểm soát chất lượng hàng hóa thời điểm này sẽ góp phần mang những sản phẩm an toàn, chất lượng cung cấp cho người dân TPHCM. Về phía người dân sẽ yên tâm hơn khi mua sắm hàng hóa tại điểm bán của các nhà bán lẻ được công bố tham gia chương trình.