Kiểm soát chặt bệnh sốt xuất huyết trước thềm Hội nghị APEC

Sáng 29-7, Đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã có buổi kiểm tra thực địa công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) tại quận 12, TPHCM. Đây là "điểm nóng" về số ca bệnh SXH tăng cao của TPHCM trong những tháng gần đây.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Hiệp Thành, quận 12
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Hiệp Thành, quận 12

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Trịnh Thị Mỹ Lan cho biết, trong 7 tháng đầu năm quận 12 ghi nhận 883 ca SXH, tăng 116,3% so với cùng kỳ năm 2016 và hiện tại Bệnh viện Quận 12 đang điều trị cho 27 trường hợp SXH (15 ca nhi và 12 ca người lớn). Bệnh xảy ra nhiều nhất tại các phường: Hiệp Thành, Tân Chánh Hiệp, Tân Thới Hiệp.

Lý giải về việc số ca SXH không ngừng tăng trên địa bàn quận, bà Trịnh Thị Mỹ Lan cho rằng, do nhận thức của một số hộ dân còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đội tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đến hướng dẫn và cùng dọn các dụng cụ chứa nước không dùng, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết để loại bỏ lăng quăng nhưng sau đó đâu lại vào đấy, người dân vẫn chủ quan, và trông chờ, không tự thực hiện những việc này trong những lần tiếp theo.

Theo báo cáo của ngành Y tế TP, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP có gần 11.200 ca SXH  tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 4 ca tử vong. Có 18/24 quận, huyện có số ca bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó huyện Cần Giờ và Quận 12 tăng cao hơn 100%.

Trước thực trạng bệnh SXH có diễn biến phức tạp và bất thường, dự kiến còn kéo dài, ngành Y tế TP đã đưa nhiều chiến dịch truyền thông, nhằm nâng cao vai trò, ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch, huy động mọi người, mọi tầng lớp diệt lăng quăng, không cho lăng quăng phát triển…

Bên cạnh đó, công tác xử phạt những trường hợp cố tình không thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cũng được đẩy mạnh.

Cụ thể,trong 6 tháng đầu năm, 10/24 quận, huyện đã tiến hành xử phạt 75 trường hợp, trong đó quận Thủ Đức có 21 trường hợp, Hóc Môn có 13 trường hợp, Bình Thạnh có 12 trường hợp, Quận 12 có 4 trường hợp,…

Đánh giá cao nỗ lực của TPHCM trong việc phòng chống dịch bệnh SXH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cùng với SXH hiện các dịch bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, viêm gan, viêm não nhật Bản... cũng đang lưu hành khá phổ biến tại TPHCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu TP cần phải tập trung, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có SXH để bảo vệ sức khỏe cho người dân, đồng thời đảm bảo cho các sự kiện trong khuôn khổ hội nghị APEC sắp diễn ra tại TPHCM.

“Để phòng chống tốt dịch bệnh SXH, công tác truyền thông phải đi đầu để người dân có nhận thức đúng về phòng chống dịch bệnh. Nhiệm vụ quan trọng là phòng bệnh trước. Muốn vậy, phải diệt lăng quăng và muỗi, cái gốc là diệt lăng quăng mới có thể khống chế dịch bệnh, giảm số ca mắc và khi có dịch bệnh phải phun thuốc diệt muỗi cho đúng cách”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Song song đó, cần đẩy mạnh công tác tập huấn điều trị bệnh cho y tế tuyến dưới, đồng thời phải lọc bệnh để phân tuyến điều trị, dứt khoát không để bệnh nhân SXH phải nằm ghép, nằm ngoài hàng lang.

Nhằm đáp ứng đủ giường bệnh để điều trị cho bệnh nhi mắc SXH, Sở Y tế TPHCM cho biết, bắt đầu từ ngày 1-8, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố sẽ chính thức đưa khu điều trị nội trú vào hoạt động và ưu tiên dành tất cả 50 giường bệnh của khoa Nhiễm để tiếp nhận điều trị bệnh nhi mắc bệnh SXH có chỉ định nhập viện, bao gồm cả người dân của các quận, huyện cư trú gần bệnh viện và tiếp nhận các trường hợp SXH nặng do các tuyến chuyển đến.

Tin cùng chuyên mục