Chuyên khoa Cơ - Xương - Khớp

Kiểm soát cân nặng hiệu quả giúp giảm đau và cải thiện chức năng khớp

Bạn đọc Lê Hữu, 45 tuổi, TPHCM: Tôi năm nay 45 tuổi, bị thoái hóa khớp gối, tôi nên ăn uống thế nào để cải thiện bệnh khớp gối?

Kiểm soát cân nặng hiệu quả giúp giảm đau và cải thiện chức năng khớp

Bạn đọc Lê Hữu, 45 tuổi, TPHCM: Tôi năm nay 45 tuổi, bị thoái hóa khớp gối, tôi nên ăn uống thế nào để cải thiện bệnh khớp gối?

BS-CKII Huỳnh Đặng Thanh Sơn - Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn:

Chào anh Lê Hữu,

Thoái hóa khớp gối có mối liên quan chặt chẽ với béo phì, thừa cân. Việc kiểm soát cân nặng hiệu quả sẽ giảm áp lực lên khớp gối, giúp giảm đau và cải thiện chức năng khớp.

Để cải thiện tình trạng bệnh, anh Lê Hữu nên hạn chế các loại thực phẩm sau:

  • Thực phẩm giàu đường: Đường có thể gây viêm, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm. Đường cũng dễ gây tăng cân. Vì vậy, nên hạn chế đồ ngọt, bánh kẹo, nước ngọt có gas.
  • Thực phẩm nhiều muối: Muối làm tăng nguy cơ giữ nước, gây sưng khớp và tăng áp lực lên khớp gối. Nên giảm thiểu việc sử dụng muối trong chế biến thức ăn, hạn chế đồ ăn chế biến sẵn.
  • Thịt đỏ và các sản phẩm từ nội tạng: Các thực phẩm này bao gồm nội tạng động vật (gan, thận, phèo), hải sản (tôm, cua) và một số loại thịt đỏ chứa nhiều chất béo, cholesterol có thể làm tăng tình trạng viêm, làm tăng cân. Nên thay thế bằng các loại thịt trắng như thịt gà, cá và các sản phẩm sữa ít béo.
  • Đồ uống có cồn và thuốc lá: Rượu, bia, thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ viêm và gây hại cho gan, kéo dài quá trình phục hồi của khớp.
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Đồ ăn nhanh, đồ hộp thường chứa nhiều muối, đường, chất béo không lành mạnh và các chất phụ gia, không tốt cho khớp.

Ngoài ra, anh có thể bổ sung những thực phẩm sau:

  • Thực phẩm giàu omega-3: Omega-3 có tác dụng chống viêm, giảm đau. Bổ sung omega-3 qua các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích hoặc các loại hạt như hạt lanh, hạt chia.
  • Trái cây và rau xanh: Trái cây như cam, quýt, dâu tây, kiwi. Rau xanh lá đậm như cải bó xôi, cải xoăn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp giảm viêm và bảo vệ khớp.
  • Các loại đậu: Cung cấp protein, chất xơ và các vitamin khoáng chất cần thiết.
  • Các loại thực phẩm giàu canxi giúp bổ sung canxi cho hệ xương khớp, giúp xương khớp chắc khỏe hơn.
  • Nên thêm dầu oliu vào khẩu phần ăn thay cho chất béo khác vì dầu oliu có hợp chất chống viêm giúp giảm triệu chứng thoái hóa khớp.

Bên cạnh đó, cần lưu ý:

  • Uống đủ nước: Giúp bôi trơn khớp và loại bỏ các chất thải.
  • Giảm cân (nếu thừa cân): Giảm cân sẽ giúp giảm áp lực lên khớp gối.
  • Tập thể dục đều đặn: Các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội giúp tăng cường cơ bắp xung quanh khớp, hỗ trợ khớp tốt hơn.
  • Thói quen sinh hoạt có thể làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối hoặc làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh. Do đó, cần hạn chế ngồi xổm, ngồi xếp bằng khi đau hoặc khi có tổn thương gối.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý thoái hóa khớp gối. Bằng việc hạn chế các loại thực phẩm gây viêm và bổ sung các thực phẩm tốt cho khớp, anh có thể cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của mình. Tuy nhiên, để có một phác đồ điều trị hiệu quả và phù hợp, anh nên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị.

Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.

Tin cùng chuyên mục