Giảm phát thải, tiết kiệm tiền
Trong số 2.166 cơ sở nói trên, TPHCM có hơn 200 doanh nghiệp (DN), nhà máy. Nhiều DN đã và đang lên kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm kê KNK. Dẫn chúng tôi khảo sát dây chuyền sản xuất sợi của Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28, ông Nguyễn Việt Tuấn, nhân viên kỹ thuật môi trường của công ty, trình bày khá kỹ về kế hoạch thực hiện kiểm kê KNK. Theo đó, công ty đang phối hợp với Trung tâm Việt - Nga để khảo sát mức tiêu thụ nhiên liệu, quá trình xử lý chất thải, nước thải… trong các công đoạn sản xuất. Sau khi có kết quả, công ty sẽ tính toán chuyển đổi công nghệ phù hợp.
Một điển hình trong việc triển khai kiểm kê KNK là Nhà máy sản xuất Trảng Bàng (Tây Ninh) của Công ty CP Sợi Thế Kỷ. Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược, cho biết, đầu năm 2024, nhà máy đã phối hợp Tổ chức Quốc tế và Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng làm đơn vị tư vấn phụ trách triển khai hoạt động kiểm kê KNK.
Từ tháng 1 đến tháng 3-2024, thông qua việc khảo sát thực tế và các số liệu trong năm 2023, đơn vị tư vấn đã thiết lập báo cáo và tính toán tổng lượng phát thải KNK năm 2023 là 52.904,63 tấn CO2.
Đơn vị tư vấn còn đề xuất các phương án tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải KNK. Sau khi cân nhắc, Công ty CP Sợi Thế Kỷ đã lựa chọn ra các phương án phù hợp để áp dụng, thời gian triển khai từ năm 2024-2028, và dự kiến sẽ giúp tiết kiệm được 6,9 tỷ đồng/năm, cắt giảm 30,1% lượng phát thải.
Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất kiêm trưởng dự án Net Zero, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết, bắt đầu từ năm 2022, công ty đã tiến hành thực hiện kiểm kê KNK nhà máy sản xuất. Sau kiểm kê, công ty đã triển khai áp dụng một số giải pháp “xanh” trong quá trình sản xuất góp phần giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường.
Trong năm 2023, lượng khí thải/tấn sản phẩm của công ty đã giảm được 3% so với năm 2022. Cụ thể hơn, tại các nhà máy sữa Việt Nam, khi áp dụng robot tự hành đã góp phần tiết giảm 62% phát thải so với xe nâng truyền thống; sử dụng kho thông minh góp phần giảm 83% phát thải so với kho truyền thống.
Sớm tháo gỡ khó khăn
Một số DN cho biết, quá trình xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm kê KNK vẫn còn gặp một số vướng mắc như các cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn cụ thể các bước triển khai; chi phí chuyển đổi công nghệ tăng cao; lộ trình thực hiện chưa phù hợp...
Với kinh nghiệm kiểm kê KNK thành công, Công ty CP Sợi Thế Kỷ đã chỉ ra một số khó khăn như: mất thời gian trong việc cung cấp số liệu, tài liệu liên quan đến hóa đơn điện, nước, dầu DO sử dụng trong năm thực hiện báo cáo... Ngay chính các đơn vị tư vấn cũng gặp khó khăn trong nhận diện nguồn phát thải.
Ông Lê Hoàng Minh cho biết, kiểm kê KNK ở phạm vi 1 và 2 (phát thải trực tiếp), Vinamilk thực hiện dễ dàng do các nhà máy đã được số hóa và có hệ thống giám sát năng lượng. Tuy nhiên, ở phạm vi 3 (phát thải gián tiếp), Vinamilk còn gặp khó khăn, không chỉ là đối với DN mà còn cả các đơn vị đánh giá kiểm kê KNK bởi các chỉ số phát thải của các nguyên liệu trong hoạt động sản xuất, hệ thống phân phối đến tay người tiêu dùng… còn chưa rõ ràng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN-MT nhìn nhận, việc triển khai kiểm kê KNK chưa được suôn sẻ. Cụ thể, đối với cơ quan quản lý, chưa ban hành kịp thời các hướng dẫn về kiểm kê KNK và hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK cho các DN; chưa xây dựng các công cụ hỗ trợ phù hợp và chưa thực hiện hiệu quả các hoạt động hướng dẫn DN; chưa xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ.
Bên cạnh đó, một số quy định chưa thực sự sát với tình hình thực tế. Để gỡ khó cho các địa phương, DN, ông Nguyễn Tuấn Quang kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định thực hiện kiểm kê KNK đối với các cơ sở được phân bổ hạn ngạch; sửa đổi, bổ sung quy định về đơn vị thẩm định kết quả kiểm kê KNK phục vụ phân bổ hạn ngạch và thẩm định kết quả giảm nhẹ phát thải KNK để tạo tín chỉ carbon.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, sở đang phối hợp Sở Tài chính hoàn thiện Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm thải KNK theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Công tác kiểm kê KNK được xem như xương sống hình thành thị trường carbon. Do vậy, TPHCM sẽ tăng cường đào tạo và tập huấn cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về công tác kiểm kê KNK.
Đồng thời, thành phố sẽ luôn đồng hành với các DN thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn và hỗ trợ đổi mới công nghệ. Việc kiểm kê KNK không chỉ giảm tác động của biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trong hoạt động mua bán tín chỉ carbon.