Nhiều sức ép
Vụ việc bộ phim hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ đã tạm khép lại khi chiều 28-10, Bộ VH-TT-DL gửi thông báo chính thức xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan. Những tồn tại về thực trạng đội ngũ nhân sự, cơ chế kiểm duyệt phim cũng được nhìn nhận và yêu cầu thay đổi. Thống kê từ Cục Điện ảnh, dự kiến năm 2019, số lượng phim phát hành từ 280 - 300 phim. Đó là chưa kể số lượng phim không được cấp phép phổ biến, từ 20 - 30 phim, tính từ năm 2014 đến nay. Theo đại diện một đơn vị phát hành, với quy trình kiểm duyệt hiện nay, một năm tối đa toàn thị trường chỉ có thể đạt được con số là 300 phim. Sức ép về số lượng lên hội đồng duyệt phim rõ ràng không nhỏ.
Đại diện Công ty CP phim Thiên Ngân đặt vấn đề: “Do Việt Nam không quy định hạn ngạch đối với việc nhập khẩu phim nên với số lượng nhiều như hiện nay, dẫn đến tình trạng thiếu lịch duyệt phim. Các đơn vị phải xếp hàng, đặc biệt là giai đoạn cao điểm như lễ, tết nghỉ dài ngày, việc phát hành phim không đảm bảo theo kế hoạch. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ công việc cũng như giảm sức hút của bộ phim vì đã có bản phim trên mạng. Từ đó, đối tác nước ngoài nghi ngại về thời gian duyệt phim tại Việt Nam”.
Từ sức ép về số lượng dẫn đến sự quá tải, chất lượng kiểm duyệt đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót, trong đó sự việc của Everest - Người tuyết bé nhỏ hay Điệp vụ biển đỏ là những bằng chứng điển hình. Thông tin gửi đến báo chí từ phía Bộ VH-TT-DL đề ra giải pháp: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương bổ sung nhân sự, nâng cao năng lực đối với công chức và các phòng chuyên môn thuộc Cục Điện ảnh nói chung và Phòng Phổ biến phim nói riêng; tiếp tục kiện toàn nhân sự và nâng cao năng lực của Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim.
Phá vỡ độc quyền, được không?
Liên quan đến câu chuyện quá tải kiểm duyệt, ý kiến từ nhiều cá nhân, đơn vị sản xuất, phát hành phim cho rằng, cần sớm phá vỡ thế độc quyền trong kiểm duyệt phim hiện nay. “Đề xuất và xem xét việc thành lập hội đồng duyệt phim chuyên biệt, không kiêm nhiệm hoặc phân chia theo tỉnh, thành phố lớn. Mô hình này các nước trên thế giới đã và đang áp dụng để đảm bảo về chất lượng và số lượng, cũng như giảm tải được tình trạng quá tải hoặc cao điểm như hiện nay”, đại diện Công ty CP phim Thiên Ngân đề xuất. Một số ý kiến cũng cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng việc thành lập các hội đồng kiểm duyệt phim song song, hoạt động độc lập. Quy trình tiền kiểm - hậu kiểm được áp dụng khá giống với lĩnh vực xuất bản.
Trên thực tế, việc phân cấp quản lý kiểm duyệt đã được áp dụng từ năm 2010. Nghị định 54/2010/CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh. Trong đó, Điều 18 về “thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim” chỉ ra: UBND cấp tỉnh cấp giấy phép phổ biến phim đối với phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu và UBND cấp tỉnh được cấp giấy phép phổ biến phim truyện khi năm trước liền kề, các cơ sở điện ảnh thuộc địa phương đáp ứng các điều kiện: sản xuất ít nhất 10 phim truyện nhựa được phép phổ biến; nhập khẩu ít nhất 40 phim truyện nhựa được phép phổ biến (mục 3).
Theo Sở VH-TT Hà Nội, mục 3 của điều luật này được đề nghị giảm số lượng phim do cơ sở điện ảnh địa phương sản xuất xuống còn 5 phim và nhập khẩu là 10 phim/năm, vì trên thực tế số lượng phim truyện sản xuất hoặc nhập khẩu tại các tỉnh, thành hàng năm không thể đạt được số lượng như luật đã nêu. Sở VH-TT tỉnh Điện Biên đề xuất, cần xem xét để quy định bổ sung về việc thành lập hội đồng thẩm định cấp tỉnh, cấp sở; phân cấp những bộ phim do hội đồng thẩm định cấp nào thẩm định để giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, kinh phí.
Câu chuyện phân cấp, phân quyền để phá vỡ thế độc quyền kiểm duyệt trong điện ảnh và thực hiện như ở lĩnh vực xuất bản chắc chắn chưa thể thực hiện trong một sớm một chiều. Thực tế, quy trình tiền kiểm - hậu kiểm ở lĩnh vực xuất bản vẫn còn lỗ hổng và vi phạm vẫn diễn ra. Do đó, Bộ VH-TT-DL cũng giao Cục Điện ảnh phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Điện ảnh và các nghị định hướng dẫn, trong đó cần sửa đổi cơ chế thẩm định, cấp phép phổ biến phim phù hợp với tình hình thực tế; nghiên cứu tham mưu lãnh đạo bộ xem xét, phân cấp việc thẩm định, cấp phép phổ biến phim đối với các địa phương đáp ứng tiêu chuẩn.
Mục tiêu cuối cùng của kiểm duyệt, ngoài việc tuân thủ luật, cần kích thích sự sáng tạo, tạo ra công bằng, bình đẳng, đặc biệt trong bối cảnh phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh hiện nay hầu như bị bỏ ngỏ, dù tác phẩm trước đó bị cấm chiếu ở rạp.