Kiểm định khí thải xe máy: Xem xét lộ trình cụ thể

Để tiến tới đạt chuẩn Net zero vào năm 2050 như Chính phủ cam kết, việc kiểm định khí thải đối với xe máy cần được sớm triển khai. Tuy nhiên, việc kiểm định được tiến hành như thế nào để đạt hiệu quả đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm

Xe máy xả khói mù mịt gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Xe máy xả khói mù mịt gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

70 triệu xe máy đã đăng ký

Theo thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, trong giai đoạn 2005-2022, số lượng xe máy được đưa vào đăng ký sử dụng tăng trưởng bình quân 9,1%/năm. Cụ thể, hiện nay số lượng xe máy đăng ký tại Việt Nam đã đạt khoảng 70 triệu chiếc, trong đó hơn 45 triệu xe được sử dụng hàng ngày. Theo công bố của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, trong quý 1-2024, đã có hơn 600.000 xe máy được bán ra thị trường. Như vậy, có thể thấy xe máy 2 bánh vẫn là loại phương tiện di chuyển chính của người dân, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP Hà Nội và TPHCM.

Tuy nhiên, ở góc độ môi trường, xe máy đang là một trong những tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường do sản sinh lượng khí thải không hề nhỏ. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường - Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, xe máy chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC, 37,7% nguồn phát thải bụi, 31% nguồn phát thải bụi siêu mịn.

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, lượng phát thải khí CO2 trung bình từ các phương tiện tham gia giao thông tăng 6-7% mỗi năm, dự báo đến năm 2030 sẽ phát thải gần 90 triệu tấn CO2. Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành. Vì vậy, để tiến tới đạt trung hòa carbon (Net zero) vào năm 2050 như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết, cần phải đặt vấn đề kiểm soát giảm khí thải ô nhiễm từ xe máy ngay từ bây giờ.

Xây dựng lộ trình để đạt hiệu quả

Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc kiểm định khí thải xe máy sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Tuy nhiên, việc kiểm định khí thải với tất cả xe máy được thực hiện theo lộ trình của các luật liên quan. Cụ thể, lộ trình thực hiện sẽ áp dụng theo Luật Bảo vệ môi trường và Bộ TN-MT sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp Bộ GTVT để xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định.

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho rằng: “Cũng giống như kiểm định ô tô hiện nay, tôi nghĩ rằng giải pháp tốt nhất là dựa trên tuổi thọ của từng loại xe để phân loại”. Về việc kiểm định khí thải đối với xe máy, PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn nói, muốn thực hiện kiểm định khí thải xe máy thì phải có tiêu chuẩn Việt Nam về khí thải đối với xe máy giống như đối với ô tô.

Về lộ trình thực hiện, PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn kiến nghị, cần tiến hành kiểm định những xe đã được đưa ra thị trường nhưng chưa có kiểm định khí thải. Sau đó, việc kiểm định khí thải lần lượt dựa vào niên hạn sử dụng xe: xe sử dụng trên 10 năm, xe sử dụng 5-10 năm, xe sử dụng từ 2-5 năm. Xe mới sử dụng dưới 2 năm thì chưa phải kiểm định. Đồng quan điểm, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM, nhận định, để kiểm soát khí thải xe 2 bánh hiệu quả, cần có lộ trình thực hiện cụ thể, đầu tiên là công bố ngưỡng khí thải cho phép. Tiếp theo, nên phân loại các phương tiện 2 bánh để thực hiện kiểm định. Loại xe cần đưa vào kiểm định trước tiên là xe cũ, xe tự chế, không có đủ các bộ phận như đèn xe, yếm xe, ống xả,... Tiếp theo sẽ là các loại xe có thời gian sản xuất từ 10 năm, 5 năm hay 3 năm. “Đối với xe mới xuất xưởng, Bộ GTVT nên nghiên cứu và công bố thời gian miễn kiểm định lần đầu để tương ứng chất lượng kỹ thuật của nhà sản xuất vì hiện nay các loại xe mới đều có kiểm định trước khi đưa ra thị trường. Ngoài ra, chu kỳ tái đăng kiểm cần được quy định hợp lý theo đề xuất của nhà sản xuất”, ông Tính nhấn mạnh.

Đối với những chiếc xe cũ không đạt tiêu chuẩn khi kiểm định, ông Lê Trung Tính cho rằng, cần có giải pháp phù hợp bởi hầu hết các loại xe cũ, xe tự chế xả thải khói đen ra môi trường là xe chở hàng của người lao động thu nhập thấp. Vì vậy, ngoài việc kiểm soát khí thải đối với những phương tiện này, cơ quan nhà nước cần lưu ý chính sách an sinh xã hội dành cho người dân, bởi đó là phương tiện để họ mưu sinh hàng ngày. Trên thực tế, chính sách về kiểm soát khí thải đã được cơ quan nhà nước đưa ra từ trước đây, nhưng chưa thể thực hiện vì gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, để việc kiểm định khí thải xe máy đạt hiệu quả cần lộ trình dài hơi hơn để người dân dần tiếp nhận và điều chỉnh.

Tại Điều 42 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ:

1. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm định theo quy định.

2. Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về môi trường được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Tin cùng chuyên mục