Kiểm định để giáo dục đại học đạt chất lượng - Bài 1: Quá ít chương trình đào tạo đạt chuẩn

So với khu vực và thế giới, có thể nói, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam quan tâm đến kiểm định chất lượng khá muộn từ cấp quản lý. Từ năm 2005 chúng ta mới bắt đầu làm quen với công tác kiểm định và hơn cả chục năm mới quyết liệt với công tác kiểm định. Tuy nhiên, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học vẫn còn quá nhiều vấn đề tồn tại, bất cập.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) - trường đạt nhiều chuẩn kiểm định quốc tế cấp trường lẫn chương trình - trong giờ học thực hành
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) - trường đạt nhiều chuẩn kiểm định quốc tế cấp trường lẫn chương trình - trong giờ học thực hành

Loay hoay với kiểm định

Từ năm 2005, khi có dự án của Ngân hàng Thế giới (World Bank) thì Việt Nam mới quan tâm đến vấn đề đảm bảo chất lượng giáo dục dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Hà Lan. Sau đó là Hoa Kỳ hỗ trợ. Đến năm 2007, Bộ GD-ĐT có Quyết định 65, ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học, với 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí. Sau đó, Bộ GD-ĐT thành lập các đoàn thí điểm đánh giá và kết quả là 40 trường đã kiểm định được đánh giá đạt chuẩn. Tuy nhiên, tất cả 40 trường đạt chuẩn này không được công khai vì có nhiều “vấn đề tế nhị”.

Nhớ lại thời điểm ấy, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, kể: “Tôi cũng trực tiếp tham gia đánh giá nhiều trường trong số 40 trường ấy như ĐH Huế, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Luật TPHCM, ĐH Nha Trang… Thế nhưng, tất cả những trường này đều nhận giấy chứng nhận trong sự âm thầm chứ không công bố công khai, minh bạch theo kiểu quốc tế đã làm. Có lẽ do đấy là bước khởi đầu sơ khai và có nhiều vấn đề mà cấp quản lý còn e ngại”.

Đến năm 2012, Bộ GD-ĐT có Thông tư 62 quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Thế nhưng mãi đến năm 2016, Bộ GD-ĐT mới quyết liệt đốc thúc và tiến hành kiểm định chất lượng bằng việc cho thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Đà Nẵng, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và ĐH Vinh.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ thí nghiệm

Kiểm định ồ ạt, vội vã

Năm 2017, Bộ GD-ĐT ra tối hậu thư đến hết ngày 30-6-2017, các trường phải hoàn thành tự đánh giá và đến ngày 31-12-2017 phải hoàn thành đánh giá ngoài (mời các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập ở bên ngoài trường đánh giá chất lượng). Việc thẩm định kết quả đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng được thực hiện đến hết ngày 30-6-2018. Tuy nhiên, theo một giám đốc trung tâm kiểm định: “Thật sự quyết tâm của Bộ GD-ĐT buộc 236 đại học, trường đại học trên cả nước phải đạt kết quả kiểm định trước 30-6-2018 là rất tích cực. Song dường như việc thúc ép phải kiểm định và bằng mọi giá như thế này lại là điều hết sức chủ quan”.

Dẫn chứng cho ý kiến trên, vị giám đốc trung tâm kiểm định minh chứng: Thống kê danh sách các cơ sở giáo dục đã được kiểm định của 4 trung tâm cả nước cho thấy hiện nay mới chỉ có 134/236 trường được kiểm định thì mới đạt khoảng 55% mục tiêu đề ra. Trong đó có đến 132 trường đạt kết quả theo Thông tư 65 (10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí) và 2 trường đạt kết quả theo Thông tư 12/2017 theo bộ tiêu chuẩn mới với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí.

Đi vào chi tiết kết quả kiểm định cho thấy, cả nước duy nhất có 1 trường đại học có số lượng tiêu chí đạt cao nhất (56/61 tiêu chí). Trong giai đoạn từ tháng 1-2016 đến 31-5-2018, 4 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục đã đánh giá ngoài 122 trường đại học và học viện, 3 trường cao đẳng, trong đó 117 trường đại học/học viện đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Có 5 trường đại học/học viện đã được đánh giá ngoài nhưng không thực hiện tiếp khâu thẩm định và công nhận. Trong 117 trường đại học/học viện đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng có 15,4% là các trường đại học tư thục, 6,8% trường trực thuộc UBND các tỉnh quản lý và 77,8% là trường/học viện trực thuộc các bộ chủ quản và các trường đại học thuộc 2 ĐH quốc gia và các trường thành viên thuộc các ĐH vùng (ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế).

Kiểm định chương trình còn quá chậm

Cả nước hiện nay có 3 trường đạt chuẩn kiểm định khu vực Đông Nam Á gồm: ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Bách khoa và ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TPHCM. Các trường ĐH đạt chuẩn kiểm định của HCERES (Hội đồng Cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp) gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) và ĐH Tôn Đức Thắng.

Hiện cả nước có khoảng 3.000 chương trình đào tạo nhưng hiện nay việc kiểm định chương trình đào tạo lại thực hiện quá chậm.


PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết: “So với kiểm định cấp cơ sở (cấp trường) thì hiện nay kiểm định cấp chương trình của Việt Nam lại đi ngược. So với trong nước thì số chương trình đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn của Việt Nam rất ít. Cả nước hiện có khoảng 15 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định trong nước. Trong đó, tôi có trực tiếp tham gia kiểm định chương trình đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội (ngành Việt Nam học), Trường ĐH Sài Gòn (ngành Giáo dục tiểu học). Còn lại là các chương trình của trung tâm của ĐH Quốc gia Hà Nội kiểm định cho ĐH Thái Nguyên…”.

Trong khi đó, nếu như số trường của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế chỉ có vài trường thì chương trình đào tạo của Việt Nam ở các trường đạt chuẩn quốc tế lại rất nhiều. Cả nước hiện có khoảng 111 chương trình đạt chuẩn quốc tế thì ĐH Quốc gia TPHCM có đến 48 chương trình (mới đây có thêm 3 chương trình của Trường ĐH Quốc tế đạt chuẩn kiểm định của ABET - Hiệp hội Kỹ thuật và công nghệ Hoa Kỳ). Hiện ĐH Quốc gia TPHCM là đơn vị đào tạo có kiểm định quốc tế nhiều nhất cả nước với 5 chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET (2 của Trường ĐH Bách khoa, 3 của Trường ĐH Quốc tế); 7 chương trình chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) được công nhận đạt tiêu chuẩn Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (gọi tắt là Ủy ban CTI) và 45 chương trình đạt chuẩn AUN-QA (chuẩn của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á).

Cùng với ĐH Quốc gia TPHCM là các trường có số chương trình đạt chuẩn AUN-QA nhiều gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM…

Tin cùng chuyên mục