Ngày 4-1, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum có thông báo thu hồi giấy xác nhận cấp không đúng nội dung cho Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Phạm Xuân Quang ký xác nhận cho công ty này với nội dung: “Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum theo Quyết định 4025 ngày 18-12-2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ”.
Tuy nhiên, nội dung xác nhận này chưa đúng thực tế. Cụ thể, theo UBND huyện, công ty này đang thực hiện nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh thí điểm. Đến tháng 10-2022, UBND tỉnh cho chủ trương liên kết đưa cây nuôi cấy mô thí điểm ra trồng ngoài tự nhiên nên chưa có cơ sở khẳng định đã khai thác sâm Ngọc Linh.
Được biết, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Xuân Quang cũng bị yêu cầu kiểm điểm vì ký giấy xác nhận không đúng nói trên.
Tại huyện Tu Mơ Rông, Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum triển khai dự án nuôi cấy mô ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông. Ông Nguyễn Duy Thái, Phó Giám đốc công ty, cho biết, đơn vị là một công ty thành viên của Tập đoàn y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam. Mục tiêu của công ty và Tập đoàn y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam là chế biến sâu các sản phẩm từ sâm ngọc linh. Sản phẩm của tập đoàn lấy từ nguồn của công ty. Ở xã Ngọc Lây, công ty đã liên kết được 10 hộ trồng sâm với mỗi hộ từ 5-10 ha. Ở xã Măng Ri thì công ty liên kết được 3 hộ với hơn 10 ha.
Tuy nhiên, theo UBND 2 xã Măng Ri và Ngọc Lây (nơi công ty tự nhận liên kết trồng sâm với người dân), Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum “chưa triển khai”, “không có” liên kết trồng sâm với các hộ dân trên địa bàn.
Thậm chí, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây Đặng Quốc Dũng còn khẳng định: “Công ty này nhiều lần lên xã xin xác nhận có liên kết trồng sâm Ngọc Linh với người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, khi xã yêu cầu cung cấp tên hộ, địa chỉ, diện tích để xã kiểm tra, đối chứng thì công ty không cung cấp được, từ đó cũng không thấy đề cập vấn đề này nữa”.