Trong khi, dù đã nỗ lực và liên tục có những đối pháp để thúc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công song ghi nhận đến hết tháng 11-2023, cả nước cũng chỉ đạt khoảng 65,1% kế hoạch mà Thủ tướng giao. Những chồng lấn giữa các luật định, quy định trong lĩnh vực giải ngân đầu tư công, một khi chưa được thay đổi căn bản vẫn sẽ tiếp tục là lực cản trong năm 2024.
Ở trụ cột xuất nhập khẩu, cú tăng tốc cuối năm vẫn không giúp cán đích khi chỉ đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, dù cán cân thương mại hàng hóa của năm đạt thặng dư 28 tỷ USD, vượt xa năm 2022 (11,2 tỷ USD). Trong bối cảnh thế giới tiếp tục đầy rủi ro và bất toàn, tổng cầu khó có thể phục hồi như trước đại dịch Covid-19, trụ cột này cần tận dụng được vị thế hợp tác sâu rộng, nhất là Đối tác Chiến lược toàn diện mà Việt Nam vừa ký kết cuối năm 2023 làm đòn bẩy để tạo sức bật cho năm 2024.
Từ cơ sở đó, trên cả bình diện quốc gia và nhất là đối với TPHCM, năm 2024 bên cạnh việc tiếp tục tìm cách “vượt lên chính mình” trong nhiệm vụ giải ngân đầu tư công và tận dụng tốt vị thế - thời cơ để phục hồi xuất khẩu, vấn đề tiêu dùng nội địa nên được xác định là động lực phát triển kinh tế thành phố. Khi đó, chúng ta sớm xây dựng, đề xuất hệ thống chính sách, cơ chế, dự án để thúc đẩy tiêu dùng nội địa như một giải pháp động lực quan trọng trong quá trình phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội TPHCM trong 2024-2025.
Trong năm nay, các chương trình khuyến mãi, kích thích tiêu dùng của người dân nên được đánh giá và nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm kết nối một cách hiệu quả hàng hóa và dịch vụ đến đúng nhu cầu của người dân; cũng như khuyến khích doanh nghiệp của TPHCM tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ, du lịch thông qua liên kết vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL cũng như các vùng miền khác. Vận dụng Nghị quyết 98 để định vị lại vai trò “đầu tàu” của TPHCM, định hình vùng phát triển hợp nhất TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai - Tây Ninh.
Nhất là, hình thức livestream bán hàng tiếp tục được kỳ vọng bùng nổ trong năm 2024. Đây là xu thế tất yếu, vừa là nhu cầu thị trường vừa là yêu cầu tự thân trong môi trường kinh tế số đã chuyển động mạnh mẽ trong, sau Covid-19. Sau phiên chợ OCOP Cần Giờ, chợ Bến Thành, xu hướng social commerce (thương mại trên nền tảng mạng xã hội) đang lan tỏa khắp nhiều chợ truyền thống như An Đông, Tân Bình, Hạnh Thông Tây… Mong rằng cơ quan chức năng sẽ là “bà đỡ” trong công tác tập huấn kỹ thuật, cùng các nhà mạng có phương thức hỗ trợ công nghệ, nội dung cho những tiểu thương muốn thay đổi để tồn tại. Tận dụng sức lan tỏa của “lên sóng” bán hàng, thị trường cần những phiên chợ online theo thời điểm đặc biệt, nhất là các phiên chợ tết sắp tới, hoặc nâng lên tầm hội chợ tập trung vào hàng hóa tết.
Điển hình như Saigon Co.op, dự kiến tổ chức 8 phiên livestream bán hàng trên website và ứng dụng theo 8 chủ đề riêng biệt để giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của hệ thống Co.opmart vào tết năm nay. Chuyển đổi công năng cho các khu thương mại truyền thống, kết hợp offline với online, cũng được “nghiệm thu” ngay chính mặt hàng trang trí tết. Trong khi các cửa hàng truyền thống lâm cảnh ế ẩm, đơn hàng ít, chậm, thì trên các nền tảng trực tuyến, doanh thu tăng 56%: chỉ trong 1 tháng, có hơn 427.000 sản phẩm trang trí tết được tiêu thụ, ước tính có khoảng 2,7 triệu sản phẩm được bán ra trong mùa Tết Giáp Thìn này.
Tất cả phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi ấy mới có thể duy trì niềm tin từ người tiêu dùng, yếu tố chính quyết định mãi lực tiêu dùng nội địa, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội TPHCM khả thi trong năm 2024.