Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Bộ Công thương triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam chất lượng cao, được người tiêu dùng tin cậy, phù hợp với cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…
Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và các cơ quan liên quan chỉ đạo cơ quan truyền thông, báo chí triển khai xây dựng chương trình thường kỳ, chuyên mục để quảng bá về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt (Make in Vietnam)” hàng năm nhằm đẩy mạnh việc ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt… Bộ KH-CN bảo đảm kiểm soát ngăn ngừa hàng hóa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về đo lường, chất lượng, có nguy cơ gây hại đến sức khỏe cộng đồng, môi trường, góp phần bình ổn thị trường trong nước.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả quan trọng, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, giúp thị phần tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do người Việt Nam sản xuất được nâng lên. Việc tiếp tục phát triển thị trường nội địa, kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam trong bối cảnh mới cần được phát huy nhiều hơn để hàng Việt sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn trên mọi miền Tổ quốc.