Bi kịch trắng khán giả
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, khán giả xem kịch đã thưa vắng đến mức đáng coi là “bi kịch trắng khán giả”. Sân khấu nhà nước, sân khấu tư nhân, sân khấu lớn, sân khấu nhỏ, sân khấu xã hội hóa, các hội diễn kịch toàn quốc, sân khấu kịch địa phương... đều không tìm được người xem. Các nhà hát, rạp hát, điểm diễn sân khấu ở các thành phố lớn đều bị đứt mạch kịch trường hàng đêm. Cầu nối giữa sân khấu và khán giả, vốn đã lung lay, lại thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến mối liên hệ này đứt gãy. “Tình yêu và niềm tin của khán giả đối với sân khấu kịch nói đã có vẻ chững lại”, NSND Lê Huy Quang nhận định. Những “ông hoàng”, “bà chúa” của “thánh đường” sân khấu có vẻ không còn hấp dẫn khán giả, nhất là lớp khán giả trẻ.
Có cái nhìn tích cực hơn, đạo diễn Trần Lực vẫn tin sân khấu có sức hấp dẫn riêng mà không loại hình nào có thể so sánh được, đó là tính ước lệ cao, là những vấn đề xã hội được truyền tải mạnh mẽ, trực tiếp. “Trong thời đại công nghệ phát triển, chúng ta phải cạnh tranh bằng cách có sản phẩm hay. Chỗ nào không bán được vé thì tôi nghĩ nên xem lại mình, đừng đổ cho khán giả. Đừng bao giờ cho rằng khán giả quay lưng, họ muốn xem chứ, vấn đề là có gì để cho người ta xem?”, đạo diễn Trần Lực chia sẻ.
Tìm về “những đêm không ngủ”
Nhìn về hào quang của sân khấu với kịch nói, với hàng loạt gương mặt đã làm nên lịch sử vàng son, từ thế hệ những người đặt nền móng đầu tiên cho nền kịch nghệ Việt như Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Đình Long, Thế Lữ..., đến những thế hệ vàng kế tiếp đã tạo nên “những đêm không ngủ” của sân khấu như Lưu Quang Vũ, nhiều người không khỏi có cảm giác hụt hẫng khi nói về sân khấu hiện nay.
“Vì sao sân khấu kịch nói đánh mất vai trò xung kích của sân khấu nước nhà? Vì sao không thể tìm ra những phương thức hoạt động mới để thoát khỏi “bầu sữa bao cấp”? Vì sao đội ngũ tác giả sân khấu thừa về “lượng” nhưng thiếu về “chất”? Bản thân những người làm nghệ thuật sân khấu phải nghiêm túc đánh giá và chủ động thay đổi tư duy từ cách tiếp cận khán giả cho tới việc định hướng xây dựng tác phẩm nghệ thuật”, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, thẳng thắn bày tỏ.
Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì dễ nhận thấy nhiều tác giả đã không lăn lộn vào đời sống, không lý giải được mâu thuẫn của cuộc sống hiện đại, không đọc được nỗi đau và nói lên ý chí của con người hôm nay. “Kịch nói đang rời xa những vấn đề thời sự nóng bỏng diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong xã hội…”, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương nói. Theo ông, tác giả cũng cần những “bệ đỡ”, chính là sự đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị nghệ thuật. Kịch bản hay, đề cập tới vấn đề thời sự gai góc của xã hội đương đại thì lại sợ đụng chạm… và rốt cuộc là né tránh, nên khán giả cũng… né kịch. Trăn trở về câu chuyện sáng tác, NSƯT Đỗ Kỷ cũng cho rằng, cần đem lại nhiều hơn nữa hơi thở cuộc sống trong mỗi tác phẩm thông qua các chuyến sáng tác thực tế ở các địa phương, các ngành có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.