Khắc họa quá khứ
Hoàng hôn có nội dung xoay quanh tình yêu, lòng chung thủy và sự chờ đợi của con người, hiện hữu một cách sâu sắc trong những năm tháng đất nước trải qua chiến tranh. Biên đạo Nguyễn Phúc Hùng chia sẻ: “Nói đến chiến tranh không có nghĩa chỉ nói đến súng đạn và sự chết chóc, thay vào đó, chúng tôi muốn thực hiện sự sáng tạo nghệ thuật mang vẻ đẹp thi vị, đậm tình người, tình đời, tình yêu đôi lứa, những câu chuyện mang nhiều cung bậc cảm xúc lắng đọng, cảm động đằng sau cuộc chiến. Khi hiểu rõ ngọn nguồn những câu chuyện, người đối diện với câu chuyện ấy sẽ dễ dàng cảm nhận chân thực hơn những nỗi đau ẩn chứa và hậu quả khắc nghiệt, đau thương mà chiến tranh để lại. Với tôi, cái đau nhất của chiến tranh thực chất chính là những cuộc chia ly, sự cô đơn, kể cả người ở ngoài mặt trận lẫn người ở hậu phương. Vậy nên, vở kịch múa chú trọng khai thác tâm lý, tâm tư tình cảm con người trong chiến tranh và sau cuộc chiến”.
Bên cạnh đó, khi đào sâu tâm lý con người trong và sau chiến tranh, các biên đạo còn muốn xây dựng một tác phẩm đặc biệt dành cho đối tượng khán giả là những người từng đi qua chiến tranh, luôn có chung nỗi niềm muốn thấy lại những khoảnh khắc để chiêm nghiệm về cuộc đời, nhớ lại quá khứ, ôn những kỷ niệm một thời trai trẻ đã trải qua trong thời chiến; bên cạnh nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho lớp khán giả mới hôm nay.
Hoàng hôn được dàn dựng thành 3 chương: Hy vọng, Tình yêu và Ánh mắt hoàng hôn với sự tham gia biểu diễn của NSƯT Trần Hoàng Yến, nghệ sĩ Đặng Minh Hiền, Sùng A Lùng, Đỗ Hoàng Khang Ninh, cùng các nghệ sĩ của Đoàn Vũ kịch HBSO.
Tác phẩm Hoàng hôn thai nghén từ trại sáng tác của Hội Nghệ sĩ múa TPHCM năm 2022 tại tỉnh Phú Yên. Cũng tại trại sáng tác này, đã có 30 kịch bản múa ra đời và có 20 kịch bản được hội xét duyệt thông qua, trong đó có kịch múa Hoàng hôn. Ban đầu, vở kịch múa dự kiến chỉ là một tiết mục múa có thời gian dưới 10 phút, nhưng tác phẩm đã được HBSO mạnh dạn đầu tư với dàn biên đạo múa trẻ, tài năng và tâm huyết với nghề. Từ đó, các ý tưởng, ngôn ngữ, hành động đã được trau chuốt hoàn chỉnh thành một vở kịch múa có thời lượng trình diễn hơn 60 phút để vừa có thể công diễn phục vụ khán giả, vừa xây dựng thêm kịch mục mới mang hơi thở thời đại cho HBSO.
Cuộc thử sức của nghệ sĩ trẻ
Điều đặc biệt của vở diễn này chính là sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ trong vai trò vừa biên đạo vừa trực tiếp trình diễn. Trong đó có biên đạo Nguyễn Phúc Hùng giữ vai trò chủ đạo, anh là biên đạo múa tài năng từng cùng anh trai là biên đạo Nguyễn Phúc Hải thực hiện thành công nhiều tác phẩm múa như: Chạm tay vào quá khứ, Những mảnh ghép của giấc mơ, Vọng phu biển...
Dàn nghệ sĩ múa tham gia vở kịch cũng là những cái tên trẻ đầy tài năng như NSƯT Trần Hoàng Yến, một trong những nghệ sĩ múa soloist tài năng nhất của HBSO hiện nay. Hay như 3 nghệ sĩ múa trẻ gồm: Đặng Minh Hiền, Sùng A Lùng và Đỗ Hoàng Khang Ninh, là những người được đánh giá cao trong dàn nghệ sĩ múa của HBSO. Tất cả cũng nỗ lực góp sức tạo nên sự hấp dẫn tươi mới cho tác phẩm Hoàng hôn. Có thể thấy, đây là cơ hội để các nghệ sĩ trẻ khám phá và thể hiện những ý tưởng mới mẻ, độc đáo riêng biệt của mình trong nghệ thuật múa. Sau khi cùng lên ý tưởng, cùng thử nghiệm, phối hợp thực hiện, họ trực tiếp biểu diễn để chuyển tải ngôn ngữ và ý đồ nghệ thuật đến khán giả.
Phần âm nhạc của tác phẩm được nhạc sĩ Vũ Việt Anh thực hiện, anh cũng vừa đạt được thành công với phần âm nhạc của vở Ballet Kiều - tác phẩm đoạt giải xuất sắc tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 2022. Nhắc đến nhạc sĩ Vũ Việt Anh, người trong giới và khán giả sẽ nhớ ngay đến các tác phẩm: Dòng sông lơ đãng, Không còn mùa thu, Đêm nằm mơ phố... và một số tác phẩm khí nhạc, tác phẩm nhạc cho múa. Với thế mạnh về giai điệu và hòa thanh đẹp, cùng với khả năng tư duy chuyên nghiệp về khí nhạc, âm nhạc của Vũ Việt Anh luôn được đánh giá rất có duyên với các tác phẩm múa.