Kích hoạt thị trường xuất khẩu sản phẩm tái chế

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp (DN) trong nước đã đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm tái chế. Một khi phong trào này lan rộng sẽ là một trong những “giải pháp xanh” cho nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Chuyền xử lý giấy thải tạo bột giấy của Công ty Giấy Xuân Mai tại KCN Hiệp Phước, Nhà Bè. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chuyền xử lý giấy thải tạo bột giấy của Công ty Giấy Xuân Mai tại KCN Hiệp Phước, Nhà Bè. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chú trọng chất lượng sản phẩm

Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân, cho biết, từ năm 2021 công ty đã xuất khẩu các sản phẩm tái chế sang 12 quốc gia, trong đó chủ yếu là thị trường Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Năm 2023, công ty đã xuất khẩu khoảng 18.000 tấn sản phẩm và 6 tháng đầu năm nay đã xuất khoảng 12.000 tấn sản phẩm, chủ yếu là chai PET (chai nước suối, nước ngọt) và HDPE (chai hóa mỹ phẩm). “Thị trường của công ty khá ổn định, từ lúc xuất khẩu sản phẩm nhựa tái chế đến nay chưa có lô hàng nào bị phàn nàn về chất lượng”, ông Lê Anh cho hay.

Nhận thấy xu hướng thời trang và tiêu dùng của thế giới hướng đến sự phát triển bền vững nên từ năm 2017, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã đẩy mạnh, tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển đối với các dòng sản phẩm từ những vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện môi trường.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết, sản phẩm áo thun tái chế của công ty đã được xuất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Các nguyên liệu công ty dùng để tái chế ra quần áo mới bao gồm vỏ chai nhựa, các phụ phẩm trong nông nghiệp như vỏ trái cây, vỏ bắp.

“Để có thể xuất khẩu thành công, ngoài yếu tố chất lượng, công ty còn phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn mà các đối tác đưa ra, như phải sử dụng năng lượng tái tạo, điện mặt trời áp mái; quy trình sản xuất xanh, khép kín; có kế hoạch phát triển bền vững... Ngoài sử dụng năng lượng mặt trời, công ty cũng phải thực hiện chuyển đổi dần chất đốt lò hơi từ than đá sang chất sinh khối (biomas) để giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường”, ông Trần Như Tùng cho biết thêm.

Tại các điểm trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Tái chế cà phê Lộc Nhân, chúng tôi khá bất ngờ với sự đa dạng, phong phú các sản phẩm được tái chế từ bã cà phê như: nước khử mùi xe ô tô, phòng làm việc; xà phòng; viên nén cà phê có in khắc hình làm quà tặng lưu niệm, viên nén đốt dùng cho các nhà hàng, quán ăn, nhà máy công nghiệp. Ông Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc công ty, cho biết, sản phẩm đã bán tại thị trường nội địa được hơn 1 năm nay cũng như tham gia nhiều chương trình triển lãm, trưng bày ở nước ngoài. Hiện một số đối tác nước ngoài đã đặt vấn đề với công ty để xuất khẩu các sản phẩm cũng như chuyển giao công nghệ tái chế.

“Bơm vốn” với lãi suất ưu đãi

Tái chế là xu hướng tất yếu. Trên thế giới, tái chế là tiêu chí bắt buộc, đây cũng là cơ hội cho ngành tái chế của Việt Nam. Thực hiện tái chế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và xã hội, như giảm lượng chất thải được đưa đến các khu xử lý rác, là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào quý giá cho sản xuất hàng hóa. Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế Việt Nam, đánh giá, thị trường tái chế chất thải Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, bởi nước ta đang có nguồn chất thải lớn có thể tái chế từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp (nhất là ngành nhựa), khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày ước tính khoảng 60.000 tấn, trong số đó, khoảng 55% các thành phần có thể tái chế được.

Q5A.jpg
Các sản phẩm tái chế từ bã cà phê của Công ty TNHH Tái chế cà phê Lộc Nhân được trưng bày tại một hội thảo về phát triển bền vững ở TPHCM

Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Anh, thị trường tái chế chất thải ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do công nghệ, hạ tầng kỹ thuật ngành tái chế chưa đáp ứng; chưa đa dạng và tận dụng hết các nguồn chất thải làm nguyên liệu tái chế mà các ngành sản xuất đang cần. Việt Nam cũng chưa có các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tái chế đúng nghĩa; công tác phân loại tại nguồn cũng chưa đồng bộ. Nếu khắc phục được những nguyên nhân yếu kém này thì thị trường tái chế sẽ được kích hoạt mạnh mẽ hơn.

Về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế Việt Nam, ông Trần Thanh Nam, đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, cho biết, quỹ sẽ cung cấp các khoản vay với lãi suất cố định trong suốt thời gian vay là 2,6% cho các dự án bảo vệ môi trường, sản xuất năng lượng sạch, tái chế. Thời gian vay tối đa 10 năm, với mức vay tối đa 80% tổng mức đầu tư. Mức vay tối đa là 36,6 tỷ đồng cho mỗi dự án và không quá 73,2 tỷ đồng cho mỗi chủ đầu tư. Đến nay, trong lĩnh vực xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải đã có nhiều dự án được vay vốn từ quỹ. Cụ thể, có 79 dự án xử lý chất thải rắn (sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại) được vay vốn với số tiền 1.344 tỷ đồng; 46 dự án mua sắm phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải được vay vốn với số tiền 284 tỷ đồng và 9 dự án tái chế, tái sử dụng chất thải được vay vốn với số tiền 115 tỷ đồng.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN-MT, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định với 2 trách nhiệm là trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Tái chế chất thải là một bước đi quan trọng trong xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Tin cùng chuyên mục