Cá nhân hóa từng sản phẩm
Theo ông Nguyễn Hoài Bảo, Giám đốc Công ty Du lịch Wildtour, khách hàng trong phân khúc này muốn tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo, yêu cầu sự tiện nghi chất lượng cao cùng với dịch vụ cá nhân hóa. Khách du lịch cao cấp sẵn sàng mở rộng hầu bao cho dịch vụ đẳng cấp, ưng ý, nhờ đó tạo ra giá trị kinh tế lớn cho đất nước.
Với 20 năm kinh doanh du lịch xem chim (bird watching), ông Nguyễn Hoài Bảo chia sẻ, Mỹ có khoảng 45 triệu người chuộng mô hình dịch vụ này, với mức chi tiêu khoảng 40 tỷ USD mỗi năm. Chỉ một phân khúc nhỏ, dạng thị trường ngách, mà họ đã thu cao hơn tổng thu của ngành du lịch Việt Nam năm 2023 (khoảng 27 tỷ USD).
Điều này cho thấy tiềm năng to lớn mà phân khúc khách này có thể mang lại cho du lịch, nhất là khi Việt Nam có hơn 300 loài chim “ăn tiền”, thu hút những người yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm du lịch độc đáo. Với khoảng 950 loài chim, Việt Nam nằm trong tốp 3-4 tại châu Á và tốp 15 trên thế giới về số lượng loài chim, thật sự là một thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm du lịch liên quan.
Nhiều người có kinh nghiệm trong ngành du lịch chỉ rõ, để thu hút khách du lịch cao cấp, sản phẩm phải được thiết kế độc đáo và cá nhân hóa. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, nhấn mạnh, cảm xúc của khách hàng là điều quan trọng trong xây dựng sản phẩm du lịch cao cấp. Những sản phẩm như tour khám phá hang Sơn Đoòng, nơi chỉ 1.000 người được trải nghiệm mỗi năm, tạo ra sự khan hiếm trên thế giới, quyến rũ du khách, là một loại hình du lịch như vậy.
Chia sẻ về kinh nghiệm đón đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam vừa qua, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho hay, doanh nghiệp đã thuê 5 thợ lặn giỏi nghề, tìm hiểu kỹ về thúng được làm ra sao, trát keo thế nào, để người nặng ngồi lên có bị ảnh hưởng gì không. Đơn vị cũng tìm những người lắc thúng giỏi nhất để khách trải nghiệm an toàn, cảm thấy hưng phấn… “Đó chính là trải nghiệm cao cấp”, ông Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định.
Bà Ngô Thị Hương, Phó tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Công ty CP Vinpearl, cũng chia sẻ, một sản phẩm du lịch cao cấp không chỉ đơn thuần là một tour, mà còn là một hành trình khám phá văn hóa, ẩm thực và thiên nhiên độc đáo của nước ta.
Chiến lược cụ thể, bền vững
Thời gian gần đây, nhóm khách siêu giàu đến Việt Nam nhiều hơn, bởi sự đa dạng, phong phú của cảnh sắc thiên nhiên, cũng như an ninh, an toàn ở nước ta… Ngoài nhóm khách tỷ phú của hãng máy bay Gulfstream đến TP Đà Nẵng giữa tháng 10 vừa qua, đầu năm nay, tỷ phú Bill Gates và bạn gái cũng có chuyến du lịch bằng chuyên cơ riêng đến Đà Nẵng.
Khu nghỉ dưỡng P’apiu Resort (tỉnh Hà Giang) cũng đã đón các đoàn khách siêu giàu từ năm 2022, 2023… Theo đại diện resort, nhóm khách này theo đuổi lối sống sang trọng thầm lặng (quiet luxury), không phô trương. Cách thời điểm nhóm khách xuất hiện cả tháng, từ nhân viên, quản lý, bếp trưởng đến người làm vườn đều phải gửi hồ sơ gồm tên tuổi, ảnh chân dung, vị trí làm việc để khách duyệt…
Dự kiến vào tháng 1-2025 tại Quảng Ninh, lễ hội “Nghệ thuật vì khí hậu - vịnh Hạ Long 2025” sẽ thu hút khoảng 200 tỷ phú châu Âu đến Hạ Long bằng siêu du thuyền. Đây cũng là dịp để Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung quảng bá mạnh mẽ hơn các sản phẩm du lịch điểm nhấn, ấn tượng của nước ta đến với giới siêu giàu trên thế giới. Dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế - du lịch, những sự kiện tiếp đón tỷ phú nói trên vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát kiểu “ai làm, người đó biết”.
Chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch Phan Yến Ly nhìn nhận, muốn đón khách cao cấp, trước hết phải hiểu họ có nhu cầu gì, họ cần gì. Căn cứ vào đó để doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực… phù hợp. Thực tế, TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh… từng đón khách tỷ phú, nhưng hầu như lộ trình di chuyển, nơi nghỉ ngơi đều được bảo mật thông tin. Giới siêu giàu cần những dịch vụ đặc biệt, nên ngành du lịch phải xây dựng cơ chế cụ thể, bền vững hướng đến việc đón tiếp dòng khách cao cấp này.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định, cần đầu tư phát triển sản phẩm phù hợp, chú trọng tính độc đáo, nguyên bản và cá nhân hóa. Việc phát triển sản phẩm du lịch cao cấp là một trong những “chìa khóa” quan trọng giúp Việt Nam thu hút và giữ chân khách hàng trong phân khúc này. Để thành công, không chỉ tập trung vào chất lượng dịch vụ mà còn phải đảm bảo rằng sản phẩm chạm tới cảm xúc, tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.
10 tháng, TPHCM đón gần 4,7 triệu lượt khách quốc tế
Chiều 30-10, Sở Du lịch TPHCM cho biết, 10 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch TPHCM đón gần 4,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu du lịch 10 tháng ước đạt 156.649 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái.