Gần 6 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị y tế của các doanh nghiệp Hàn Quốc trao tặng; nhiều chuyến xe nghĩa tình chở hàng trăm tấn rau củ và nhu yếu phẩm đến người dân ở các khu phong tỏa của Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA); 4 máy thở cao cấp, 8 máy theo dõi bệnh nhân, 15 bơm tiêm điện trị giá 5,22 tỷ đồng của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đã được bàn giao cho TPHCM; hàng triệu liều vaccine được Chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu trao tặng đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam với mong muốn sớm đẩy lùi được dịch bệnh.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ từ nguồn viện trợ, giúp đỡ, trao tặng của các chính phủ, tổ chức, cá nhân trên thế giới dành cho Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng trong cuộc chiến phòng chống Covid-19. Nó phần nào cho thấy “chỉ số” tình cảm, sự chia sẻ cùng những ủng hộ vật chất cụ thể và niềm tin về sự đồng hành, hợp tác lâu dài, thịnh vượng và phát triển của các chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho thành phố.
Nhìn rộng ra sẽ thấy, thành quả của công tác đối ngoại luôn là sự tương tác, tác động và phát triển lẫn nhau của hai chiều, thậm chí là đa chiều, từ nguồn lực nội sinh và sự tin cậy vào sức mạnh nội lực của đất nước, thành phố trong nỗ lực hội nhập, hợp tác cùng phát triển.
Do đó, một khi đã được thiết lập, củng cố bền vững thì trong từng điều kiện nhất định sẽ là cơ hội để cùng thể hiện và tiếp tục gia cố cho các mối quan hệ song phương lẫn đa phương. Và qua quan hệ đối ngoại sẽ quy chiếu để chúng ta nhận diện rõ hơn, có nhiều giải pháp thúc đẩy cho những vấn đề “đối nội” trong các lĩnh vực hợp tác, phát triển.
Rõ ràng, ở tầm mức ngoại giao địa phương - thành phố, tính chất mối quan hệ song phương được biểu hiện qua các đối tác chính là các thành phố thuộc các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á và quốc tế. Ở tầm mức đa phương, đó chính là những tổ chức quốc tế đang hỗ trợ và hợp tác với thành phố như Ngân hàng Thế giới, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á…
Trong thời điểm TPHCM là tâm dịch, tính đa dạng của các đối tác cũng như của các đề tài hợp tác càng được mở rộng để từ đó có được những thông tin, gợi ý, đề xuất tham chiếu với độ tin cậy cao, thiết thực, bám sát với thực tế đang diễn ra.
Ngoài ra, các tập đoàn quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các mạng lưới chuyên ngành - chuyên đề cũng đã dành cho thành phố một sự quan tâm, hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Đây chính là thành quả về công tác đối ngoại của thành phố khi đã tạo nên giá trị thiết yếu trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với các bên quốc tế và kết nối các quan chức hoặc người dân thành phố với các đối tác hoặc đối tác của họ ở nước ngoài để cùng chia sẻ tầm nhìn và các mục tiêu cụ thể.
Thời kỳ thích ứng linh hoạt đang vừa là thử thách - để bảo vệ, duy trì an toàn sức khỏe nhân dân, vừa là cơ hội - để phục hồi các hoạt động hợp tác, mở rộng, phát triển, qua đó xây dựng hình ảnh TPHCM phục hồi, tái thiết mạnh mẽ, bền vững. Vì vậy, một lần nữa, công tác đối ngoại thành phố nhận lãnh trọng trách mới, làm sao an toàn và tạo “đường dẫn” để sức sống, tính năng động và thân thiện của thành phố ra với bạn bè, được tiếp tục tin cậy và hợp tác.
Vaccine và các sinh phẩm y tế, thuốc vẫn là “vũ khí” mà chúng ta cần trang bị nên làm sao để có được sự tiếp cận nhanh, chất lượng và giá ưu đãi nhất. Với điểm mốc dự kiến ngày 1-1-2022 Việt Nam mở lại một số đường bay thương mại quốc tế, TPHCM là địa phương tiên phong mở cửa trở lại du lịch quốc tế. Vì vậy, sẽ là cơ hội lẫn thách thức cho các bước chuẩn bị, đón đầu mọi hoạt động tái hội nhập.
Nguồn lực quốc gia, sức mạnh nội sinh của thành phố chính là sự trỗi dậy của kinh tế số - vốn đã được chứng minh qua Báo cáo Kinh tế số 2021 của Google và Báo cáo Cập nhật quốc gia của Ngân hàng Thế giới, cùng tham vọng về một trung tâm tài chính khu vực - quốc tế tại TPHCM, đang và sẽ cần đến những người bạn, người đồng hành có nhiều tiềm lực, quyết tâm, ý chí hợp tác đồng hành lâu dài cùng thành phố.