“Chắc chân” tại thị trường nội địa
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đã đặt vấn đề với đơn vị để đưa hàng vào hệ thống phân phối thị trường nội địa. Điều này xuất phát từ việc thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao so với năm trước, nhiều rào cản kỹ thuật, một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu liên tục bị áp thuế phòng vệ thương mại… Những vấn đề trên đã khiến cho năng lực cạnh tranh của hàng Việt giảm sút. Một yếu tố khách quan khác là sức mua thị trường thế giới giảm mạnh, lạm phát tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, kéo theo đơn đặt hàng cũng giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Saigon Co.op đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp chuẩn hóa tiêu chuẩn hàng hóa theo thị trường nội địa để nhanh chóng gia nhập vào hệ thống gần 800 điểm bán của đơn vị trải dài trên cả nước. Mặt khác, đơn vị xây dựng chiến lược mở rộng đa dạng điểm bán để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Gần đây nhất, cuối tháng 9-2023, Saigon Co.op khai trương cửa hàng mới Co.op Food tại chung cư Quang Phúc Plaza, tỉnh Bình Dương, nâng tổng số cửa hàng Co.op Food lên 578 cửa hàng. Các cửa hàng sẽ đẩy mạnh bán lẻ các mặt hàng tươi sống, thực phẩm công nghệ tiện lợi và hóa phẩm phục vụ người tiêu dùng. Ghi nhận cho thấy, hiện tại các cửa hàng, siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op có đến 90% hàng hóa bày bán là hàng Việt. Từ cuối năm 2022 đến nay, Saigon Co.op cũng vươn lên trở thành hệ thống bán lẻ thuần Việt lớn nhất Việt Nam và “bà đỡ” vững chắc cho hàng Việt với doanh thu hơn 31.000 tỷ đồng (báo cáo năm 2022).
Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho biết, việc đưa hàng vào hệ thống bán lẻ nói chung đã thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. Theo đó, các hệ thống phân phối đã ban hành những cẩm nang hướng dẫn chất lượng, tiêu chuẩn và quy định cần để được đưa hàng vào hệ thống. “Riêng với các doanh nghiệp chuyên thị trường xuất khẩu thì không lo ngại về chất lượng. Vấn đề là cần phải điều chỉnh lại khối lượng tịnh, mẫu mã bao bì, thông số thông tin trên bao bì… cho phù hợp với yêu cầu của cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, khẳng định.
Giữ vị thế trên thị trường quốc tế
Hiện đang có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quay về tìm kiếm cơ hội phát triển tại thị trường nội địa. Với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng gia tăng thì thị trường nội địa cũng là “miếng bánh” hấp dẫn để các doanh nghiệp khai thác, nhất là trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Tuy nhiên, việc khai thác tốt thị trường, quay trở lại sân nhà đối với nhiều doanh nghiệp không phải dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự năng động của các đơn vị trong việc tìm thị trường tiêu thụ trong nước, tìm ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt. Mặt khác, doanh nghiệp còn phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ, cả với hàng nhập khẩu. “Do vậy, để doanh nghiệp có thể quay lại thị trường nội địa, cần nhà nước tạo thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ tiếp cận thị trường. Theo đó, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng; ưu tiên hỗ trợ thủ tục, mặt bằng, hỗ trợ vào chương trình bình ổn giá, vay vốn lãi suất ưu đãi khi tham gia các chương trình... Về phía các doanh nghiệp, cần có sự tìm hiểu kỹ về thị trường, đồng thời lựa chọn cho mình một phân khúc phù hợp để có dòng sản phẩm thực sự chinh phục thị trường”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm, ngoài nỗ lực ưu tiên cung cấp hàng hóa chất lượng cao cho người tiêu dùng trong nước, Saigon Co.op có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xuất khẩu gián tiếp thông qua kết nối giữa đơn vị và các hệ thống phân phối ở nước ngoài. Hàng năm, thông qua liên doanh với một đơn vị của Singapore, hệ thống siêu thị Co.opXtra, Saigon Co.op xuất khẩu từ 200-300 tấn hàng hóa vào thị trường nước này với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng. Những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm nông sản, thủy hải sản… Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, đáp ứng yêu cầu thị trường nói chung, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, định vị thị trường và khách hàng mục tiêu; từ đó tập trung nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp từng thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất và xuất khẩu bài bản để có thể thích ứng với các yêu cầu của nhà phân phối khi tham gia chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp khẩn trương xây dựng kế hoạch để thích ứng với tiêu chí bền vững, nỗ lực xanh hóa sản xuất, đảm bảo minh bạch truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi giá trị. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu. Khi hiểu được khách hàng, đổi mới sản phẩm, biết cách kể về doanh nghiệp và sản phẩm của mình bằng câu chuyện thương hiệu, doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.