Kích hoạt nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp

Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp (DN) trong tháng 8-2020 của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho thấy, có 40% DN trả lời còn rất nhiều khó khăn trong việc phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, 44% DN vẫn còn khó khăn, 9% DN bắt đầu vượt qua khó khăn và 5% DN quay lại trạng thái hoạt động bình thường.

Đang đợi... hướng dẫn 

Trong số các DN khó khăn, có 40% DN thiếu vốn kinh doanh, 88% DN bị thu hẹp thị trường, 52% DN sẽ phải cắt giảm thêm lao động và 14% DN bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu. Đây là kết quả khảo sát sau khi Chính phủ triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cả về tín dụng, hỗ trợ lao động và các chi phí khác. Điều này cho thấy, các gói hỗ trợ DN thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như mục tiêu đặt ra.

May áo thun xuất khẩu đi Nhật và khẩu trang đi Mỹ tại Công ty TNHH May Cần Mẫn (quận Bình Tân, TPHCM). Ảnh: LẠC PHONG
Ông Phạm Bình An, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thông tin thêm, trong 76% DN được hỏi cho biết, chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ DN của Nhà nước. Ngoài chính sách gia hạn nộp thuế, nộp tiền thuê đất đã được triển khai đến hầu hết đối tượng có nợ thuế và nợ tiền thuê đất thì mới có 10% DN tiếp cận chính sách cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay và chưa có thông tin DN nào được vay tiền không tính lãi suất hoặc tính lãi suất thấp để trả lương, giữ chân người lao động; chưa có DN nào được giảm các loại phí, lệ phí. “Thời gian gần đây, chúng tôi đi thực tế tại nhiều quận huyện để tập huấn các cơ chế, chính sách mới với số lượng DN tham gia lên tới hàng trăm. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề đã có bao nhiêu DN tiếp cận được các gói hỗ trợ thì chỉ có một vài cánh tay giơ lên. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại”, ông Phạm Bình An nói. 


Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho hay, để phát triển và duy trì một điểm bán lại cần rất nhiều vốn. Trong bối cảnh sức mua giảm mạnh nhưng tiền thuê mặt bằng, chi phí nhân công không thể cắt giảm nên DN đang gặp nhiều khó khăn. “DN phải tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi về lãi suất. Thực tế cho thấy, lãi suất cho vay trung và dài hạn đã được điều chỉnh giảm, nhưng mức giảm hiện nay là không đáng kể nên chưa khuyến khích DN vay để mở rộng sản xuất kinh doanh. Với các gói hỗ trợ, để tiếp cận được thì DN phải chứng minh mức độ thiệt hại và thực hiện hàng loạt thủ tục khác nên cũng rất khó cho DN”, bà Ngọc Hà chia sẻ. Tương tự, hầu hết DN trong ngành may mặc, cơ khí… đều phản ánh rất khó tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho người lao động mất việc làm. “Từ khi nhận được thông tin có gói hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi đã liên hệ với nhiều đầu mối và cuối cùng được giới thiệu đến Ngân hàng Chính sách. Tuy nhiên, khi liên hệ nơi đây, nhân viên ngân hàng báo là đang đợi hướng dẫn và yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ như trong quyết định, khi nào có hướng dẫn sẽ thông báo cho biết, nhưng đến nay vẫn không nhận được thông tin gì…”, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Lê Nhung phản ánh.

Phải đơn giản thủ tục hơn

Tại hội thảo “Đồng hành cùng DN ứng phó rủi ro khủng hoảng Covid-19” tổ chức mới đây, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhìn nhận, ngay khi nhận thấy những tổn thất do dịch Covid-19 đối với DN và nền kinh tế, Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong cả chống dịch lẫn ban hành các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Về tổng thể, các quyết định, chính sách của Chính phủ đều bám sát tình hình, lắng nghe DN, xây dựng kịch bản, phương án xử lý thích hợp nhất có thể với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn không phá vỡ tính ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng đến nay, tốc độ thực hiện các gói hỗ trợ đều chậm. Việc tiếp cận các gói hỗ trợ của DN rất khó khăn, dẫn đến hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh còn hạn chế. TS Võ Trí Thành dẫn chứng, DN khi liên hệ các đơn vị để tìm kiếm sự hỗ trợ đều được yêu cầu cung cấp rất nhiều thủ tục và sau khi được hướng dẫn thủ tục thì hầu hết đều không thể đáp ứng. Điển hình như DN muốn được hỗ trợ vay ngân hàng thì phải đáp ứng tiêu chí đã cắt giảm 50% số lao động so với thời điểm trước dịch Covid-19; trong khi đó, suốt thời gian dịch, các DN đều nỗ lực để giữ chân người lao động nhiều nhất có thể, nhằm tiếp tục sản xuất sau khi dịch được khống chế. 

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hiện đang triển khai rất chậm, do phải đáp ứng nhiều quy định. Điều này là cần thiết để bảo đảm không xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, việc triển khai nên qua ít bước xét duyệt thủ công, dựa trên cơ sở dữ liệu đang có mới có thể đẩy nhanh tiến độ. Bảo hiểm xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nên sửa đổi, điều chỉnh lại quy định hiện nay và thay thế bằng điều kiện DN có tỷ lệ doanh thu hoặc lợi nhuận giảm từ 20% so với cùng kỳ trở lên được phép tiếp cận gói hỗ trợ. Riêng để hỗ trợ DN ngành dệt may vượt qua khó khăn, Nhà nước cần cho phép các DN dệt may miễn đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn từ tháng 5 đến hết tháng 12-2020. Bởi đây là khoản chi phí rất lớn của DN. Ngoài ra, Chính phủ hỗ trợ nguồn tài chính bằng cách giảm thuế thu nhập DN, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân; đề nghị ngân hàng giãn nợ, không hạ mức tín dụng đối với các DN đến kỳ hạn; bổ sung thêm quỹ hỗ trợ DN để giữ chân người lao động có tay nghề phải nghỉ việc...

Ghi nhận thực tế tại nhiều DN cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức cầu trên thị trường giảm sâu, tồn kho nhiều, DN không có nhu cầu vay vốn. Đổi mới cách làm, linh hoạt (thay cho lối truyền thống với nhiều cơ quan can thiệp, thủ tục rườm rà), DN dễ dàng tiếp cận thì các gói hỗ trợ sẽ phát huy được tối đa hiệu quả.

TS VÕ TRÍ THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Gỡ “nút thắt” thực thi tại cơ sở

Một trong những nguyên nhân chính còn là do công tác phối hợp giữa các bộ ngành đến địa phương không đồng bộ. Việc triển khai thiếu đồng bộ giữa trung ương và địa phương xuất phát từ tâm lý cứng nhắc, “sợ trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, công chức trong việc phê duyệt hồ sơ. Do vậy, để nâng cao hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ DN cần giải quyết được “nút thắt” trong khâu thực thi tại cơ sở. Mặt khác, cần xem xét gói hỗ trợ lần 2 tính đến cả năm 2021, vì ít nhiều chúng ta vẫn còn nguồn lực để thực hiện.

Chuyên gia kinh tế NGUYỄN HOÀNG DŨNG: Đánh giá tác động 
của gói hỗ trợ lần 1

Trước khi Chính phủ và các địa phương bổ sung các gói hỗ trợ DN tiếp theo cần phải có sự tổng kết, đánh giá khách quan, khoa học về việc hạn chế của các gói hỗ trợ đã triển khai trong lần 1. Phải phân tích nguyên nhân vì sao các gói hỗ trợ vừa qua khó giải ngân để khắc phục, nếu xuất phát từ điều kiện hưởng hỗ trợ quá khó khăn thì có thể nới lỏng cho phù hợp. Còn nếu do ngân hàng, cán bộ phê duyệt hồ sơ nhũng nhiễu, làm khó DN thì cần chấn chỉnh ngay. Nếu không giải quyết được vướng mắc của các gói hỗ trợ trước thì việc bổ sung các gói hỗ trợ tiếp theo cũng không phát huy được hiệu quả thực tế cho DN và cả nền kinh tế. 

Trên thực tế, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng quy định rất nhiều điều kiện chưa hợp lý. Ví dụ, đó là điều kiện đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương phải “làm việc tại các DN không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của DN, số dư đến ngày 31-3-2020) do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”. Đại diện một DN trong ngành cơ khí cho rằng: “Những DN phải xoay xở để có doanh thu mới giảm lỗ cần phải được hỗ trợ ngay, không đợi đến lúc DN “chết” mới hỗ trợ. 
Điều 5 của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg còn quy định điều kiện để DN được hỗ trợ là khi tỷ lệ lao động bị mất việc tại DN phải chiếm 50% số lao động. Quy định này khó áp dụng trên thực tế, bởi với các DN sản xuất nếu để mất việc làm tới 50% thì xem như phá sản!”.

Tin cùng chuyên mục