Thắt chặt chất lượng hàng hóa đầu vào
Là đơn vị phân phối đầu tiên tham gia vào quá trình sản xuất và bao tiêu thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, đại diện Saigon Co.op cho biết, sản phẩm nông thủy hải sản, thực phẩm chế biến… là nhóm hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng rất nhạy cảm do yếu tố thời vụ, có đặc tính khó bảo quản và đòi hỏi yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm cao. Do vậy, để đảm bảo ổn định nguồn cung sạch, đơn vị đã làm việc, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, khu công nghệ cao, doanh nghiệp (DN) chế biến lương thực thực phẩm… chuẩn hóa quy trình sản xuất, nuôi trồng đáp ứng tiêu chuẩn ATVSTP.
Ngoài ra, phải không ngừng cải tiến chất lượng, bao bì sản phẩm, đặc biệt kết hợp việc áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất và công nghệ xử lý sau thu hoạch để có những sản phẩm có chất lượng tốt, giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.
Ở góc độ đơn vị thu mua, sản phẩm chỉ được vào hệ thống siêu thị và bán cho khách hàng khi được các cơ quan chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và không có thành phần các chất nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng như thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng, vi sinh vật… Ngoài ra, các sản phẩm trong quá trình phân phối cũng phải chịu sự kiểm tra chất lượng định kỳ hoặc đột xuất của hệ thống phân phối, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo đại diện Sở Công thương TPHCM, hệ thống bán lẻ có lợi thế là tiếp cận người tiêu dùng nên nắm bắt được thị hiếu cũng như xu hướng lựa chọn sản phẩm của họ. Ngược lại, các hộ nông dân, HTX, DN có lợi thế sản xuất sản phẩm nhưng thiếu thông tin định hướng thị trường. Mặt khác, cũng phải thấy rằng, không phải hộ nông dân, HTX, DN nào cũng có đủ khả năng đầu tư sản xuất, nuôi trồng sạch. Do vậy, việc bắt tay giữa hệ thống bán lẻ với các hộ nông dân, HTX, DN là rất cần thiết.
Cũng theo Saigon Co.op, hiện đơn vị đã triển khai chương trình ứng vốn cho các HTX tái chuyển đổi sang sản xuất sạch (HTX Anh Đào, Công ty Chăn nuôi Bình Minh…), hoặc hỗ trợ thanh toán nhanh, tạm ứng trước tiền mua hàng vào các dịp cao điểm nhu cầu tiêu dùng (HTX nông nghiệp Ngã Ba Giồng, Phú Lộc, Phước An, Nhuận Đức…). Trước đó, đơn vị đã hỗ trợ đầu tư dây chuyền nhà sơ chế ra cho liên tổ rau an toàn Tân Phú Trung.
Thêm chuẩn an toàn, thêm cơ hội
Đồng thuận với quan điểm này, đại diện hệ thống siêu thị Lotte cho biết thêm, hiện đơn vị đang làm việc với các DN về cải thiện chất lượng sản phẩm để không những đáp ứng tiêu chuẩn trong nước mà còn mở rộng xuất khẩu ra nước ngoài. Trước đó, trong khuôn khổ chương trình tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nội thông qua hệ thống siêu thị ngoại, Bộ Công thương đã làm việc với các hệ thống phân phối ngoại để thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ cho hàng Việt.
Theo đó, đại diện nhiều hệ thống phân phối ngoại cho biết, chất lượng sản phẩm nông thủy hải sản, thực phẩm chế biến Việt Nam có chất lượng tốt, tuy nhiên điểm hạn chế là chưa được đầu tư thương hiệu, bao bì, hình thức sản phẩm, nên bị hạn chế tiêu dùng trên thị trường thế giới. Do vậy, cùng với sự hỗ trợ của các hệ thống phân phối cộng với sự nỗ lực của đơn vị sản xuất trong nước, những rào cản trên sẽ sớm được dỡ bỏ.
Theo Sở Công thương TPHCM, việc chuẩn hóa quy trình nuôi trồng nông thủy hải sản là rất cấp thiết. Bởi trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng trong nước lẫn nước ngoài đều không chấp nhận sử dụng thực phẩm không truy xuất được nguồn gốc, không đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP. Riêng tại TPHCM - thị trường tiêu dùng lớn nhất nước - đã và đang siết chặt công tác kiểm tra chất lượng ATVSTP tại các chợ đầu mối.
Còn với các hệ thống siêu thị, công tác kiểm soát ATVSTP cũng được thực hiện thường xuyên. Do vậy, những sản phẩm không đáp ứng yêu cầu trên sẽ không có cơ hội vào thị trường nội địa nói chung và TPHCM nói riêng. Ở thị trường xuất khẩu, những rào cản kỹ thuật sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn. Gần đây nhất, thị trường Trung Quốc sau nhiều năm buông lỏng khâu kiểm soát thì đến nay cũng đang siết chặt bằng hàng loạt quy định tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề ATVSTP.
Có thể thấy, xu hướng của tiêu dùng hiện tại và thời gian tới là tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn. Do vậy, nếu ngay từ bây giờ, việc chuyển đổi nuôi trồng nông thủy hải sản, sản xuất thực phẩm chế biến… không được thực hiện thì hộ nông dân, HTX, DN… sẽ không còn cơ hội để tồn tại và phát triển thị phần tiêu thụ cả trong và ngoài nước.