Ở nhiều siêu thị, trung tâm thương mại cả nước, dù đã tập trung đẩy mạnh các gian hàng tết từ chất lượng đến mẫu mã, nhưng lượng người xem vẫn nhiều hơn người mua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 9,6% so với năm trước; song các chuyên gia và doanh nghiệp vẫn cho rằng mức tăng trưởng trên chưa phản ánh đúng thực chất, khi thị trường tiêu dùng vẫn ảm đạm.
Chỉ số giá tiêu dùng cuối cùng năm 2023 chỉ tăng 3,52% so với năm 2022 (so với cùng kỳ năm 2021 tăng 7,18%), doanh thu từ bán lẻ tăng 8,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước (14,4%). Do đó, dự báo chi tiêu, mua sắm tết này không mấy khả quan.
Trái ngược với kênh mua sắm truyền thống, trên các sàn thương mại điện tử, nhất là hình thức đang nở rộ là thương mại xã hội (social commerce, tức là thương mại trên nền tảng mạng xã hội), livestream bán hàng tiếp tục cho thấy sức tăng trưởng tốt. Nhìn thoáng qua, có vẻ đang tồn tại nghịch lý trên thị trường hàng hóa và bán lẻ.
Kỳ thực, nó lại phản ánh chính xác diễn biến thị trường, vốn hình thành trên cơ sở tâm lý, thói quen, lựa chọn của người tiêu dùng đã dịch chuyển mạnh, thậm chí là định hình rõ, từ hơn 1 năm qua. Năm 2023, thương mại nội địa có cú đột phá từ thương mại điện tử, khi đạt 20,5 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 25%/năm, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với thành tích đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Đặc biệt, với cú “lên sóng” ở Cần Giờ cùng các mặt hàng OCOP, tiếp đến là livestream bán hàng ở ngôi chợ trung tâm - di sản Bến Thành, đã thật sự tạo nên một làn sóng trong nhận thức lẫn cách thức tiếp cận khách hàng bằng công nghệ và xu hướng truyền thông cộng đồng. Nhìn một cách tổng thể, diễn tiến này mang tính tất yếu hơn một trào lưu nhất thời. Ngay cả khi mọi thứ có vẻ trở lại như trước đại dịch Covid-19, một tập tính “bình thường mới” đã được xác lập, người tiêu dùng đã cá nhân hóa nhu cầu và tối ưu hóa chi tiêu bằng các lựa chọn sản phẩm giảm giá, tăng tính trải nghiệm (tại nhà) với hàng hóa, so sánh giá giữa các kênh phân phối…
Không hẳn chỉ người có thu nhập thấp mà cả người khá giả cũng kiểm soát chi tiêu, siết chặt tiêu dùng hơn. Và điều này đang được các “chợ” điện tử - công nghệ đáp ứng khá tốt. Do giảm chi phí mặt bằng, tinh giản nhân viên trực tiếp và được sự tiếp sức từ chính quyền, các nhà mạng, công ty công nghệ nên sự cạnh tranh tùy thuộc vào chất lượng và khâu giao nhận hàng. Từ đây đến Tết Giáp Thìn, nhiều chương trình, hoạt động đã được “chốt đơn”.
Điều quan trọng là lần đầu tiên, công nghệ đã thật sự “nhúng” vào thị trường tết, với vai trò chủ động từ chính quyền đến doanh nghiệp, nhằm tiếp cận và thuyết phục trải nghiệm - tương tác - mua sắm đến người tiêu dùng. “Trực tuyến”, “livestream” là những từ khóa của các hoạt động mua sắm chợ tết này, như: chương trình Chợ Thủ Đức trực tuyến, chương trình livestream bán hàng tết của Saigon Co.op hay chuỗi giảm giá, kích cầu mua sắm tết do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phát động trên các sàn thương mại điện tử.
TPHCM đã cho thấy nội lực linh hoạt, nhạy bén khi nhanh chóng bắt và đẩy “trend” (xu hướng) kích hoạt mãi lực cho thị trường tháng cuối năm, tạo đà chuyển giao qua quý 1-2024. Rõ ràng, từ thử nghiệm “lên sóng”, thành phố đã tạo “làn sóng” cho cộng đồng doanh nghiệp - tiểu thương và người tiêu dùng, phần nào xua tan không khí ảm đạm về thương mại, hàng hóa và bán lẻ mùa tết, giúp kích thích tổng cầu.