Kích hoạt giải pháp để bán lẻ hiện đại không hụt hơi

Nửa đầu năm 2023, thị trường bán lẻ Việt Nam dù có tăng trưởng song lại đi ngược với xu thế các năm trước khi kênh truyền thống tăng cao, còn kênh hiện đại có phần hụt hơi. Nhiều ý kiến cho rằng, để bán lẻ hiện đại phát triển đúng với xu hướng thế giới sẽ cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ hơn.

Tăng trưởng ngược xu thế

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 3.016.764 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng 8,4%.

Đánh giá về mức tăng của thị trường bán lẻ trong 6 tháng qua, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, nhận định rằng, trong bối cảnh nhiều lĩnh vực của nền kinh tế suy giảm, mức tăng của thị trường trong nước và việc đảm bảo cung cầu, giá cả hàng hóa thời gian qua cho thấy đây là một trong những điểm sáng của nền kinh tế.

Mặc dù mức tăng trưởng của bán lẻ đáng khích lệ song ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: Cấu trúc tăng trưởng của ngành trong nửa đầu năm nay có những khác biệt hơn so với những giai đoạn trước. Theo đó, những đơn vị kinh doanh thương mại truyền thống có mức tăng trưởng cao hơn, còn đơn vị bán lẻ hiện đại gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, hiện nay trên lĩnh vực thương mại hiện đại, tỷ trọng đóng góp so với ngành thương mại chung chỉ ở mức 22%-23%. Đây là tỷ trọng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Người tiêu dùng chọn hàng hóa tại siêu thị

Người tiêu dùng chọn hàng hóa tại siêu thị

Theo ông Đức, mức tăng trưởng nói trên đang phản ánh hai góc độ khác nhau. Thứ nhất, người tiêu dùng có nhiều khó khăn trong chi tiêu nên có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn, làm cho việc thu hút khách hàng của bán lẻ hiện đại có nhiều khó khăn. Thứ hai, do dịch chuyển cư ngụ của bộ phận người lao động trước đây ở vùng sâu vùng xa.

Nếu trước đây họ di chuyển đến các thành phố lớn, các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp tập trung để làm việc thì nay do kinh tế khó khăn, người lao động quay về quê sinh sống nên không thể mua sắm ở những khu trung tâm thương mại hay loại hình hiện đại được. Vì vậy tăng trưởng của bán lẻ hiện đại giảm, còn bán lẻ truyền thống tăng hơn.

Tập trung kích cầu cho bán lẻ hiện đại

Theo Bộ Công thương, bên cạnh những tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm thì dự báo trong nửa cuối năm thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có thể diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới giá mặt hàng xăng dầu, khí đốt tại thị trường trong nước. Từ đó sẽ tác động tới hoạt động của doanh nghiệp, kéo theo đó là thu nhập của người lao động giảm và tác động đến thị trường bán lẻ.

Trong bối cảnh đó, để thêm trợ lực cho bán lẻ hiện đại, nhất là tại các thành phố lớn, ngành Công thương các địa phương đã có những chính sách khuyến khích cho bán lẻ hiện đại phát triển, đồng thời tổ chức các hoạt động khuyến mãi quy mô lớn. Điển hình như TPHCM đã kích hoạt chương trình khuyến mãi tập trung lớn nhất trong năm, kéo dài suốt 3 tháng (từ 15-6 đến 15-9-2023).

Nói về chương trình này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết: Chương trình có sự tham gia của khoảng 3.000 doanh nghiệp với trên 7.000 hoạt động khuyến mãi đa dạng nhằm kích cầu tiêu dùng.

Ngành Công thương kỳ vọng thông qua chương trình này, cộng đồng doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện đa dạng hoạt động giảm giá, còn người tiêu dùng có thể “săn” những sản phẩm chất lượng với giá hấp dẫn, vì khung khuyến mãi lên đến 100%, từ đó góp phần thúc đẩy doanh thu cho ngành bán lẻ. Cùng với đó, TPHCM vẫn triển khai các chương trình kết nối nông sản, mùa nào thức nấy vào hệ thống các siêu thị để hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản và đồng thời cũng để giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn khi mua sắm.

Phía các nhà bán lẻ hiện đại cũng cho biết đang có những giải pháp khác nhau để thu hút khách hàng. Điển hình như Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, nhà bán lẻ này sẽ tổ chức sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hóa - chiến lược giá, nâng cao lợi thế cạnh tranh, đồng thời số hóa trong hoạt động quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả quản trị…

Đặc biệt, Saigon Co.op đang có những sắp xếp lại hàng hóa trên quầy kệ cho phù hợp với xu hướng mua sắm của khách hàng. Đồng thời, hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung của TPHCM, Saigon Co.op cũng có sự phân bổ ngành hàng khuyến mãi theo từng thời điểm nhằm tạo điểm nhấn thu hút người tiêu dùng.

Tuy vậy, ông Đức cho rằng, việc khuyến mãi kéo dài này nếu chỉ có riêng doanh nghiệp bán lẻ làm sẽ không tạo được sức mạnh cộng hưởng và không có hiệu ứng lan tỏa. Do vậy cần có sự hợp lực giữa các ngành như: du lịch, hàng không, thương mại điện tử… để có chung một đích đến là mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Có như vậy hoạt động khuyến mãi mới đi vào chiều sâu, không mang tính phong trào và tạo đà cho các nhà bán lẻ hiện đại bứt phá trở lại.

Tin cùng chuyên mục