Hướng đến xã hội học tập
GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, cho biết, từ năm 1990, với việc thành lập 2 Trường ĐH Mở Hà Nội và TPHCM, Chính phủ đã đặt mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục mở nhằm nâng cao dân trí, tạo cơ hội học tập cho người dân. Đến năm 1993, Trường ĐH Mở TPHCM và Trường ĐH Mở Hà Nội đã xây dựng chương trình đào tạo từ xa đầu tiên của cả nước. Và đây cũng là 2 trường tiên phong của cả nước trong việc áp dụng công nghệ thông tin để đào tạo. Từ kinh nghiệm này, cùng với các chủ trương của Chính phủ trong việc đẩy mạnh xã hội hóa học tập, học tập suốt đời và mới đây là chương trình chuyển đổi số quốc gia về giáo dục, trường đã tập trung xây dựng hệ thống VMOOCs để đáp ứng nhu cầu học tập, nhu cầu tiếp cận đại học cho mọi người dân.
Theo TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, hệ thống VMOOCs thể hiện vai trò trách nhiệm của trường ĐH đối với cộng đồng và đây cũng là trách nhiệm chung của các trường ĐH. Với hệ thống này, mọi người dân đều có cơ hội học tập, nâng cao trình độ, tiến tới xây dựng xã hội học tập. Tất cả kiến thức, chương trình học đều được xây dựng và chia sẻ trên hệ thống để mọi người sử dụng và học tập miễn phí. “Hiện chúng tôi quản lý khoảng 10.000 sinh viên học trực tuyến, 400 khóa học trực tuyến. Sau khi kích hoạt hệ thống VMOOCs, chúng tôi đã chia sẻ 45 khóa học lên hệ thống này để phục vụ cộng đồng và sắp tới sẽ có thêm nhiều khóa học nữa”, TS Trương Tiến Tùng cho biết.
PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: Trong năm 2020, trước tác động của dịch Covid-19, chúng ta mới thấy hết được lợi ích của việc học trực tuyến. Việc thành lập hệ thống VMOOCs có ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi thể hiện được vai trò của trường ĐH với cộng đồng. Bộ sẽ cùng với các trường để xây dựng hệ thống ngày càng đa dạng, lớn mạnh đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng. Cùng với đó, các trường ĐH khác trên cả nước cùng góp sức cho VMOOCs để ngày càng đa dạng về nội dung, chương trình nhằm phát huy hết vai trò phục vụ nhu cầu xã hội học tập, để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH.
Sớm có hành lang pháp lý
Đào tạo trực tuyến hiện nay đang phát triển rất mạnh mẽ. Tại những trường ĐH danh tiếng hàng đầu trên thế giới, hệ thống đào tạo trực tuyến rất phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng cũng như tạo cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của mọi người. Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Malaysia cũng phát triển hệ thống đào tạo này rất sớm. Và kết quả từ thực hiện hệ thống học tập mở này, Malaysia đã nâng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của người dân từ 10% (năm 2010) lên 30% (năm 2018). Mục tiêu của Malaysia là đến năm 2030 tỷ lệ này nâng lên thành 50%.
Do đó, cùng với nỗ lực của các trường, Bộ GD-ĐT sẽ gấp rút xây dựng các cơ sở pháp lý để công nhận các tín chỉ cũng như công nhận bằng cấp với loại hình đào tạo trực tuyến. Điều này sẽ giúp người dân ngoài việc tiếp cận miễn phí các kiến thức, khóa học nếu có nhu cầu về bằng cấp với loại hình này, cũng sẽ được đáp ứng.
TS Phan Thị Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo trực tuyến Trường ĐH Mở TPHCM, khẳng định: Hiện nay, các kiến thức, khóa học trên VMOOCs khi người học hoàn thành khóa học sẽ được cấp chứng chỉ hoàn toàn miễn phí. Nếu muốn được học để cấp bằng thì phải đáp ứng các điều kiện theo đúng quy định.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS Trương Tiến Tùng nhấn mạnh: Tất cả khóa học trên VMOOCs hiện nay đều được xây dựng, thiết kế và đầu tư bài bản nhằm đạt mục tiêu đơn giản, dễ học và thuận tiện để người tham gia có thể học ở mọi lúc, mọi nơi. Muốn học chỉ cần nhấp chuột và truy cập vào hệ thống là có thể tìm kiếm những nội dung, kiến thức mà người học cần. Còn để lấy bằng đại học, bắt buộc phải đạt điều kiện đầu vào, phải qua bài test và hoàn thành tất cả tín chỉ thì cơ sở đào tạo mới cấp bằng. Với những cơ sở pháp lý hiện nay, cùng với nỗ lực và cam kết của Bộ GD-ĐT, tin rằng việc tiến tới mục tiêu bằng cấp cho người học hoàn toàn có thể thực hiện được.
VMOOCs hoạt động dựa trên nguyên lý phục vụ cộng đồng, nâng cao dân trí, trao đổi tri thức, phát triển xã hội, chia sẻ nguồn lực. Với hệ thống học liệu mở này, VMOOCs luôn cần sự góp sức, chia sẻ từ các cá nhân cũng như đối tác để xây dựng kho học liệu lớn mạnh, phục vụ nhu cầu học tập của mọi người dân. Hiện tại, VMOOCs có khoảng 1.000 giảng viên, chuyên gia, cố vấn và hỗ trợ, 50 đối tác đã cam kết tham gia, 30 khóa học hiện hữu, 30 lĩnh vực đào tạo. |