Hấp dẫn hành khách
Năm 2017, tuyến buýt đường sông số 1 đưa vào khai thác, được kỳ vọng mở ra một loại hình vận tải hành khách công cộng mới trên địa bàn thành phố, không chỉ góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông đường bộ, đa dạng loại hình giao thông công cộng mà còn góp phần phát triển du lịch tại TPHCM.
Tuyến buýt sông số 1 dài 10,8km, lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và quay lại sông Sài Gòn, đến khu vực phường Linh Đông (TP Thủ Đức) tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới. Trên tuyến có 12 bến đón, trả khách nằm rải rác tại các quận 1, Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Khi đưa vào khai thác, nếu tính cả đón, trả khách, buýt đường sông chỉ mất 30 phút để hoàn thành lộ trình, giảm được 1/3 thời gian so với buýt đường bộ trên cùng tuyến, với giá vé 15.000 đồng/lượt/người. Tuyến buýt sông số 1 hiện khai thác với tần suất 50-52 chuyến/ngày, độ lấp đầy 90%-100%.
Dù là loại hình vận tải hành khách công cộng, nhưng buýt sông làm rất tốt nhiệm vụ phát triển du lịch khi được hành khách đánh giá là phương tiện di chuyển độc đáo với hai bên bờ sông ban ngày năng động, ban đêm rất thơ mộng. Ngồi trên buýt sông về đêm, người dân được ngắm cảnh hai bên bờ sông Sài Gòn lung linh sắc màu, được hóng mát, chụp hình và thưởng thức âm nhạc, ăn uống cùng bạn bè, người thân.
Vào những ngày cuối tuần tại khu vực Bến Bạch Đằng (quận 1) rất đông hành khách chờ được trải nghiệm ngắm nhìn thành phố bằng đường sông. Anh Tuấn Minh (TP Thủ Đức) hào hứng chia sẻ: “Không nhớ đây là lần thứ mấy đi buýt sông, lần nào tôi cũng đưa cả gia đình vợ con, bố mẹ và ông bà trải nghiệm cảm giác ngắm thành phố bằng đường thủy. Gia đình chụp lại những khoảnh khắc đẹp để lưu lại kỷ niệm sau này”.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (Saigon Waterbus), chia sẻ, tuyến buýt đường sông ra đời không chỉ là một phương tiện vận chuyển hành khách công cộng mà còn góp phần gia tăng giá trị cảnh quan của sông Sài Gòn và TPHCM.
Theo ông Nguyễn Kim Toản, TPHCM với gần 1.000km đường thủy địa phương và quốc gia, cùng luồng tuyến sẵn có, được đánh giá là có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch và vận tải thủy lớn. Hiện thành phố có 251 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động, trong đó có 151 cảng, bến vận tải hàng hóa; 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch và 27 bến khách ngang sông. Các tuyến đường thủy rất thuận lợi để các tàu khách quốc tế (tàu biển) với lượng khách du lịch lớn có thể vào giữa trung tâm thành phố, tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, bến Bạch Đằng.
Các chuyên gia cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành đề xuất TPHCM tiếp tục rà soát quy định về quản lý sử dụng hành lang kênh, sông rạch để tạo cơ chế thu hút đầu tư sát thực tế; có chính sách cho doanh nghiệp thuê vùng đất công giáp sông và vùng đất có mặt nước để doanh nghiệp cùng nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy phục vụ du lịch; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa cống ngăn triều vào hoạt động… Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động các phương tiện thủy vận chuyển hành khách nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.
Sẽ mở thêm 5 tuyến tàu thủy kết hợp du lịch
Theo ông Nguyễn Kim Toản, để phát triển hệ thống đường thủy tại TPHCM xứng tầm, cần phải có nhiều “cú hích”. Trước hết, cần có hệ thống bến cảng kết nối giữa đường bộ và đường thủy. Khi hạ tầng cảng, bến ngày càng nhiều, thì lộ trình di chuyển sẽ được đa dạng. Cũng vì vậy, Công ty TNHH Thường Nhật đã kiến nghị TPHCM cho doanh nghiệp xây dựng cảng, bến nhằm phục vụ các chương trình sông nước, trong đó không chỉ có buýt đường sông, mà sẽ còn tiếp tục phát triển thêm nhiều loại mô hình khác.
Cũng mới đây, TPHCM quyết định đầu tư 245 tỷ đồng nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 (trên quốc lộ 13) và cầu Bình Phước 1 (trên quốc lộ 1). Theo đó, cả 2 cầu sẽ được nâng tĩnh không lên 7m và giữ nguyên quy mô mặt cắt ngang cùng tải trọng khai thác, thực hiện từ năm nay tới năm 2025. Thông tin này đã khiến nhiều chủ tàu thường xuyên qua đây vui mừng. Với chế độ “bán nhật triều”, hiện nay các con tàu qua đây đều phải canh chừng con nước rất mệt. Lỡ để nước ròng quá thì tàu qua dễ mắc cạn, nước lớn quá thì tàu qua vướng dạ cầu.
Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An cho biết, trong năm 2024, TPHCM dự kiến đầu tư hoàn thành hai tuyến nội đô gồm quận 1 đi quận 7 và Nhà Bè, dài khoảng 13km. Tuyến dự kiến từ bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch ông Lớn - rạch Đỉa đến bến Ngôi Sao Việt. Trên tuyến, hiện các bến Ngôi Sao Việt (quận 7) và Cù Lao Xanh (Nhà Bè) đã được đầu tư xây dựng. Khi hoạt động, tuyến sẽ kết hợp tham quan các điểm du lịch, trung tâm thương mại, khu ẩm thực...
Thành phố cũng đã lên kế hoạch mở thêm 3 tuyến liên tỉnh. Trong đó, tuyến đi Bình Dương, Củ Chi sẽ theo sông Sài Gòn chiều dài khoảng 79km. Tuyến này kết nối từ bến Bạch Đằng đến TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), bến Đình, bến Dược (huyện Củ Chi, TPHCM). Tuyến giao thông thủy kết hợp du lịch từ TPHCM đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có chiều dài khoảng 225km, theo sông Soài Rạp, vịnh Đồng Tranh và Biển Đông. Tuyến này dự kiến xuất phát từ cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (Nhà Bè) đến bến cảng tàu khách Côn Đảo tại vịnh Côn Sơn, huyện Côn Đảo. Hiện tuyến này đã có một doanh nghiệp đăng ký khai thác với tàu có sức chở khoảng 1.100 khách. Tuyến còn lại là phà biển Cần Giờ chạy qua huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, dài khoảng 12km. Điểm đầu tuyến, ở từ xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đi thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông và ngược lại. Tuyến này dự kiến hoàn thành năm 2024. Trên tuyến ngoài một số bến bãi đã được xây dựng, các bên liên quan sẽ đầu tư thêm hạ tầng đồng bộ, dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 2024-2025.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra mắt sản phẩm du lịch đường thủy Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố rất quan tâm phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch thủy nội địa, liên tỉnh. Nguyên tắc thực hiện là luôn đặt vận tải hành khách đường thủy nội địa trong tổng thể, gắn với giao thông đường bộ, định hướng phát triển của đô thị. Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, doanh nghiệp, giữa các tỉnh trong vùng để triển khai thực hiện. UBND TPHCM sẽ cùng các sở, ngành nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra mắt sản phẩm du lịch đường thủy để kích cầu vận tải hành khách đường thủy thời gian tới. Tới đây, TPHCM cũng sẽ triển khai thực hiện cập nhật quy hoạch 411 cảng, bến thủy nội địa theo quy định, trong đó rà soát danh sách các vị trí theo thứ tự ưu tiên cần cập nhật quy hoạch trong năm 2023 để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo; tiếp tục đề xuất định hướng phát triển quy hoạch vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy. TPHCM cũng sẽ đẩy mạnh việc triển khai các dự án, đặc biệt các dự án, công trình đang thực hiện dự kiến hoàn thành trong năm 2024; ưu tiên triển khai các dự án nâng tĩnh không cầu vượt sông, các dự án cảng tại huyện Cần Giờ, bến tàu khách quốc tế tại khu công viên Mũi Đèn Đỏ, quận 7. Cùng đó, triển khai đồng bộ công tác phối hợp liên ngành giữa các sở, ngành, quận, huyện của thành phố và các doanh nghiệp du lịch; sự phối hợp giữa các tỉnh trong khu vực về kết hợp phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy.