PHÓNG VIÊN: Ông nhìn nhận thế nào về sự phục hồi sức mua trên thị trường trong nước hiện nay?
Ông NGUYỄN ANH ĐỨC: Theo số liệu của Bộ Công thương, tính chung 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt trên 4,148 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Thống kê TPHCM, trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố đã tăng 10,3% so với cùng kỳ khi đạt 765.233 tỷ đồng (cùng kỳ tăng 7,6%). Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực từ sức mua của thị trường, niềm tin của NTD đã tăng trở lại. Người dân, doanh nghiệp bắt đầu nới lỏng hơn cho chi tiêu song vẫn tập trung vào ngành hàng tiêu dùng thiết yếu.
Tuy nhiên, nếu so sức mua trong nước 8 tháng qua với cùng kỳ giai đoạn 2015-2019 thì sức mua ở mức thấp hơn. Do vậy, sức mua trên thị trường vẫn được đánh giá là chưa được phục hồi. Bên cạnh vấn đề có tính cơ cấu là do sự thay đổi thị hiếu, thói quen, nhu cầu tiêu dùng của người dân, có thể thấy rõ tâm lý tiết kiệm, chi tiêu thận trọng của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
Từ thực tế hiện tại, ông đánh giá sức mua của thị trường trong những tháng cuối năm ra sao?
Theo thông lệ, thị trường nửa cuối năm 2024 dự báo sôi động hơn nhờ nhu cầu hàng hóa tăng cao ở một số thời điểm như năm học mới,chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết… Và thực tế, từ đầu tháng 9, sức mua đã có những chuyển biến nhất định. Điều này cho thấy, thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều biến động khó lường và đối diện không ít thách thức. Đối với lĩnh vực bán lẻ, dự báo mức độ cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nội địa tiếp tục gia tăng với nhiều áp lực lớn từ các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế. Việc Chính phủ vừa ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% kéo dài đến hết năm 2024 kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về phía Saigon Co.op đã có những chuẩn bị nào về nguồn hàng cung ứng, bình ổn giá sản phẩm, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ mùa cao điểm mua sắm cuối năm nhằm kích cầu sức mua?
Saigon Co.op lập các kế hoạch về lượng hàng cho các dịp lễ đã thống nhất với các nhà cung cấp lớn, kế hoạch mở rộng lượng hàng dự trữ và hậu cần cũng được tính đến. Tiếp đó là việc bảo đảm giá cả ổn định và các chương trình khuyến mãi, giảm sâu từng dịp lễ lớn đã được thống nhất triển khai cho những tháng cuối năm. Đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu mua sắm của NTD. Hệ thống tập trung dự trữ các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt heo, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến; sản phẩm phục vụ mùa tựu trường như quần áo, tập vở; ngành hàng Tết như bánh mứt kẹo…
Hệ thống áp dụng khuyến mãi liên tục và chia thành các giai đoạn trọng điểm, đặc biệt là dịp Tết. Đây sẽ là các chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm, bao quát các mặt hàng từ thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống đến hàng gia dụng, thời trang… Saigon Co.op tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động, linh hoạt có biện pháp điều tiết cung - cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu NTD, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Việc tăng lương cơ sở, chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu… thời gian qua có tác động như thế nào đến giá thành nguồn hàng cung ứng trong hệ thống bán lẻ Saigon Co.op?
Những biến động của thị trường luôn được chúng tôi dự báo trước để có kế hoạch chi tiết và dài hạn về nguồn cung ứng hàng hóa, trong đó có các chương trình ký kết tiêu thụ sản phẩm với đối tác kinh doanh. Saigon Co.op thực hiện hợp tác dài hạn, thiết lập đơn đặt hàng có biên độ từ 1-2 năm với nhà cung ứng sẽ giúp họ có kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn hàng. Trong từng thời điểm, chúng tôi sẽ có những dự báo về cung - cầu thị trường để nhà sản xuất có kế hoạch cung ứng.
Ngoài ra, Saigon Co.op là đơn vị chủ lực của TPHCM trong các chương trình bình ổn giá nên giá cả luôn được ổn định xuyên suốt trong cả năm, dù thị trường có biến động. Một điểm nữa, thông qua sự kết nối của Sở Công thương TPHCM, hàng năm, Saigon Co.op đều có hợp tác, kết nối cung - cầu với nhà cung cấp ở nhiều địa phương ở khu vực Tây Nguyên, khu vực Đông và Tây Nam bộ… Việc ký kết này không những giúp hệ thống đa dạng nguồn cung mà còn giúp thu mua tận gốc, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, cắt giảm đáng kể chi phí trung gian, từ đó duy trì mức giá ổn định, có lợi cho NTD.
Nhìn chung, việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nói trên đã và đang giúp chúng tôi làm tốt công tác dự trữ nguồn hàng, có kế hoạch phân phối phù hợp cho từng thời điểm, đảm bảo hàng hóa luôn đầy đủ, chất lượng và có giá tốt nhất cho NTD. Đây là cơ sở để kích cầu, thúc đẩy sức mua trên thị trường dịp cuối năm.