Sinh con nhiều hay ít, sinh thưa hay dày, sớm hay muộn, sinh nhiều con trai hay con gái, tuổi thọ ngắn hay dài..., đều nảy sinh những hệ quả tích cực hay tiêu cực cho quốc gia và cho từng hộ gia đình.
Việt Nam hiện đang trong giai đoạn “dân số vàng”. Tuy nhiên, cũng như các quốc gia khác, khi bước vào giai đoạn phát triển, từ một nước thuần nông trở thành nước công nghiệp - đô thị thì bối cảnh của xã hội hiện đại khiến cho phần đông thanh niên Việt Nam có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, không sinh con hoặc sinh ít con, sinh thưa.
Nếu thế hệ cha ông cho là “trời sinh voi, trời sinh cỏ” thì thế hệ thanh niên hiện nay chỉ muốn kết hôn và sinh con khi có một nền tảng tương đối vững chắc về nghề nghiệp, thu nhập, nhà ở và điều kiện sống. Do vậy mà ở các thành phố như Hà Nội, TPHCM, nam kết hôn khoảng tuổi 30, và nữ 27, sinh con đầu trên dưới 30 và thường là một con, nếu sinh đứa thứ hai thì rơi vào khoảng 35-37 tuổi. Tính chung trong cả nước thì tổng tỷ suất sinh của cả nước không thấp, vào khoảng 2,09 con, nhưng lại khác nhau giữa các vùng miền. Nếu không có những chính sách phù hợp thì khả năng vào giữa thế kỷ này, Việt Nam sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số rất nhanh, đất nước sẽ thiếu lực lượng lao động trẻ, nam thanh niên nhiều hơn nữ thanh niên, chưa kể các chỉ số về thể chất như chiều cao, cân nặng, sinh lực không được cải thiện nhiều.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định (QĐ) 588 phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 - 2,2 con) thực hiện thành công Chiến lược dân số quốc gia, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, không kết hôn muộn và sinh con vào lúc sức khỏe thể chất và trí tuệ sung mãn nhất, tức là trước 30 tuổi và người mẹ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...
Bên cạnh đó, QĐ 588 yêu cầu thí điểm việc giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình cho các cặp vợ chồng sinh con; tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con được mua nhà ở xã hội, ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.
QĐ 588 đặt nền móng cho hệ thống chính sách nhằm làm chậm và làm giảm bớt tình trạng già hóa dân số, cải thiện chất lượng dân số, cân bằng dân số và phân bổ dân số hợp lý trên bình diện quốc gia. Các chính sách khuyến sinh cần được bổ sung hoàn thiện và chi tiết hóa hơn nữa, cần có sự nỗ lực của các địa phương trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, có những chính sách cụ thể hơn tùy thuộc vào đặc điểm của địa phương, có sự chung tay của các hội đoàn, của truyền thông đại chúng.
Cần lưu ý, chính sách khuyến sinh có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức trong giới trẻ. Thực tế cho thấy, các chính sách khuyến sinh của nhiều nước như Nhật Bản, Singapore, Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan... rất tuyệt vời; thậm chí nhiều quốc gia đảm bảo cung cấp tài chính nuôi đứa con thứ hai đến năm 14 tuổi, thế nhưng rất nhiều thanh niên ở các nước này vẫn không muốn kết hôn sớm và sinh nhiều con. Điều thuận lợi nhất là dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, người Việt Nam luôn khát khao có một mái ấm gia đình và sinh con đẻ cái. Đó chính là một trong các điểm lợi thế nổi trội của văn hóa truyền thống trong chính sách khuyến sinh của nước nhà. Hơn thế nữa, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM không sợ bị già hóa, thiếu nguồn lực lao động, cho dù các thành phố này có tỷ suất sinh thấp, bởi vì các thành phố này có độ mở lớn, luôn có sức hấp thụ lực lượng lao động mở, có chất lượng cao từ nước ngoài và các tỉnh thành khác.