Ngày 15-5 tại TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội nghị thường niên năm 2022 và hội thảo "Thúc đẩy Khoa học công nghệ cho doanh nghiệp".
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH và CN Việt Nam (VST) Hoàng Đức Thảo cho biết, Hiệp hội có mục tiêu tập hợp, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên; giúp đỡ hội viên trong hoạt động liên kết hợp tác, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa sản phẩm…
Kể từ khi thành lập vào tháng 10-2019 đến nay, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hiệp hội đã nhanh chóng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực mang lại lợi ích và gắn kết các hội viên như khảo sát kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu cần hỗ trợ đến các hội viên; phối hợp cùng Bộ KH và CN, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động khoa học công nghệ như hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo 2021 – 2022, Techmart, Techfest…; phối hợp với Trung tâm Thông tin KHCN Quốc gia tổ chức showroom trưng bày sản phẩm khoa học – công nghệ tại Hà Nội, tham gia đóng góp ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ…
Đây cũng là xu hướng chung của thế giới khi khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức… ngày càng đóng góp lớn cho nền kinh tế. Năm 2021, riêng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam dù có rất nhiều khó khăn nhưng đã thu hút đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên tại Việt Nam, hiện nay các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các ý tưởng sáng tạo nhiều nhưng lại chậm đưa ra thị trường, thương mại hóa, chưa tương xứng với tiềm năng. Đó chính là yếu tố hạn chế lớn, chưa được làm mạnh.
Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp KH và CN Việt Nam cần có các giải pháp để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ. Chúng ta không cần phải kỳ vọng về số lượng nhiều mà phải chú trọng vào chất lượng, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Để hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội cần xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam, để nắm rõ được các biến động, “sức khỏe” của doanh nghiệp, từ đó mới thấy được những vấn đề còn tồn tại, các khó khăn để nghiên cứu giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển.
“Tôi rất kỳ vọng với sự tham gia của Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài, các sản phẩm sẽ được giới thiệu, mang ra nước ngoài nhiều hơn để tạo thương hiệu, uy tín và cạnh tranh thay vì chỉ trong nước. Bộ KH và CN luôn đồng hành, lắng nghe và hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học và công nghệ để hoàn thiện chính sách quản lý”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Theo Chủ tịch VST Hoàng Đức Thảo, hiện nay có không ít doanh nghiệp thuộc Hiệp hội năng lực còn hạn chế, chưa đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, doanh thu khiêm tốn… Do đó, việc thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết, hợp tác phát triển đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế là yếu tố quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Hiệp Hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã vinh danh Top 10 và Top 100 doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ tiêu biểu.
|