Khuyến nghị tăng cường “chọn bỏ” bớt các thủ tục, điều kiện trong văn bản hướng dẫn luật

Ngày 1-11, tại Diễn đàn thường niên “Nhịp đập kinh tế Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và UNDP tổ chức tại Hà Nội, các ý kiến đề nghị tăng cường “chọn bỏ” các điều kiện, thủ tục kinh doanh để theo sát, theo đúng tín hiệu thị trường, vai trò của thị trường.

Quang cảnh diễn đàn
Quang cảnh diễn đàn

Ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch Covid-19 với mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực các nước ASEAN, song TS Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Ban Phân tích và dự báo kinh tế (CIEM) nêu rõ khu vực “kinh tế trong nước” vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế nhiều hơn.

“Các “đầu tàu” kinh tế như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục “chạy” chậm lại", ông Thọ nhấn mạnh. Đơn cử, với TPHCM, tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước năm 2023 thấp hơn 2,5% so với năm 2015. Tương tự, Bà Rịa - Vũng Tàu có tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước năm 2023 thấp hơn 2,2% so với năm 2015.

Đặc biệt, tình hình sức khỏe của khu vực doanh nghiệp chưa ổn định. Số lượng doanh nghiệp tăng thấp hơn kỳ vọng, sức mua vẫn tăng nhưng không nhiều vì thu nhập của người lao động chưa có đột phá .

Nêu khuyến nghị chính sách, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, trong ngắn hạn, giải pháp trọng tâm là ban hành văn bản hướng dẫn luật. “Tăng cường tháo gỡ các rào cản khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã ban hành trong năm 2023 và 2024, với tinh thần tăng cường chọn bỏ các điều kiện, thủ tục kinh doanh để theo sát, theo đúng tín hiệu thị trường, vai trò của thị trường”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Trong trung hạn, TS Nguyễn Hữu Thọ nhận định, trọng tâm là nâng cao chất lượng các văn bản luật, cải thiện tiến độ vì tuổi thọ luật trung bình chỉ vào khoảng 9 năm, trong khi quá trình xây dựng luật hiện nay kéo dài 2-3 năm…

Hạ tầng “cứng” cũng là yếu tố được nhiều ý kiến tại hội thảo đề cập đến, trong đó lưu ý yêu cầu hoàn thiện hạ tầng giao thông như đường sắt cao tốc trục Bắc - Nam, đường bộ cao tốc (cố gắng về đích đúng hạn để đến 2025 có 3.000 km)… nhằm tăng kết nối vùng, liên vùng.

Cùng với đó, “hạ tầng mềm” với khoảng 40% hồ sơ cần tiếp nhận trực tuyến là mục tiêu cần nỗ lực hoàn thiện, theo khuyến nghị của các chuyên gia.

Hỗ trợ sản xuất được xác định là hết sức cần thiết nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, chẳng hạn như hướng đến doanh nghiệp và hộ gia đình mới thành lập hoặc quay lại hoạt động trong năm; doanh nghiệp gặp rủi ro thiên tai; hoạt động ở vùng khó khăn, vùng ưu đãi đầu tư hoặc sản xuất hàng hoá thay thế nhập khẩu…

Tin cùng chuyên mục