Hào hứng khoe với đồng nghiệp về đôi giày nhập khẩu từ Italy có giá 1,5 triệu đồng (nguyên giá 7 triệu đồng), anh Nam Hoàng, ngụ tại quận Bình Thạnh cho hay, gia đình anh thường “săn” hàng hiệu giảm giá và sử dụng thấy tốt. Các hội chợ được nhắm đến như, ngày hội hàng Việt Nam xuất khẩu, chương trình khuyến mãi hàng hiệu...
Theo chia sẻ của Sở Công thương TPHCM, hàng hóa tại các đợt khuyến mãi do sở phát động đều được các thương hiệu lớn trong nước chịu trách nhiệm nhập khẩu, phân phối; lực lượng quản lý thị trường, hải quan,… đồng hành giám sát, giảm thiểu tình trạng trà trộn hàng dỏm. Ngoài hàng hiệu, các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu cũng được giảm giá liên tục tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại. Một số khách mua hàng tại TPHCM nhận xét, hàng hóa tại những điểm bán lưu động bình ổn giá đều có mức ưu đãi sâu.
Điều này rất đáng mừng, cho thấy rằng, người tiêu dùng ngày càng được trân trọng, đã và đang có sự chuyên nghiệp, uy tín hơn trong các phiên bán hàng giảm giá nhằm quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương cho rằng, xu hướng tiêu dùng của người dân đang có sự thay đổi rõ rệt, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Khách hàng cũng quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe…
Ông Chinh khuyến nghị, Sở Công thương, doanh nghiệp ở TPHCM nói riêng, các tỉnh thành nói chung cần lưu ý hơn trong việc khuyến mãi, giảm giá sản phẩm. Trong đó, cần tập trung vào một số đợt khuyến mãi thực sự “bùng nổ” và gắn với chất lượng thay vì tổ chức quanh năm, thiếu điểm nhấn. Song song đó, cần củng cố niềm tin của khách hàng vào các chương trình giảm giá, khuyến mãi trên cả nước.