Theo báo cáo tại hội nghị, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện trong 13 năm qua cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua... Trong nông nghiệp, KH-CN đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì KH-CN chính là giải pháp thực hiện được mục tiêu này, với tinh thần đi tắt, đón đầu. Theo Phó Thủ tướng, cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo hành lang cho phát triển KH-CN.
Bên cạnh đó, ngành KH-CN cần có chính sách đặc thù để phát triển lĩnh vực đặc biệt này về các nội dung: định giá tài sản hình thành sau khi triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học, chế độ chính sách cho người làm khoa học, cơ chế tự chủ, cơ chế tài chính…
Đồng thời, cần thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu và ứng dụng KH-CN theo hướng khuyến khích, tạo cảm hứng cho các nhà khoa học, có chính sách phân bổ đủ chi phí cho nghiên cứu khoa học. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến công tác phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan; tăng cường kết nối để học tập kinh nghiệm quốc tế, từ đó khơi dậy tinh thần đồng sức đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức.