Ước tính mỗi năm có khoảng 250.000-300.000 tấn chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn TPHCM. Cùng với sự phát triển của dân số và kinh tế, lượng chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn ngày càng tăng.
Một phần chất thải nhựa được chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt; một phần khác được tái chế nhưng chủ yếu với công nghệ thô sơ, lạc hậu, do đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường và chất lượng sản phẩm tái chế không cao.
Nếu dân số TPHCM giữ tốc độ tăng bình quân 3,5% (tự nhiên và cơ học) thì ước tính đến năm 2020, lượng nhựa tiêu thụ cũng như lượng chất thải nhựa phát sinh tại địa phương sẽ vào khoảng 400.000 tấn/năm. Lượng chất thải nhựa này sẽ là gánh nặng đối với công tác quản lý môi trường của thành phố.
Để giảm áp lực trong việc xử lý rác thải nhựa, TPHCM đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp thực hiện xử lý theo hướng 3T (tiết giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải). Đẩy mạnh tái chế rác thải nhựa sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Cụ thể, về mặt xã hội, tái chế chất thải nhựa, đặc biệt là hoạt động thu gom và phân loại chất thải nhựa tạo cơ hội việc làm cho lao động trình độ thấp. Giảm lượng rác thải cần chôn lấp cũng có nghĩa giảm áp lực về diện tích đất dành cho chôn lấp và đất sẽ được sử dụng cho các mục đích công cộng khác.
Góp phần bình ổn giá nguyên liệu cũng như sản phẩm nhựa trong nước. Về mặt môi trường, tác động đầu tiên là tiết kiệm năng lượng cho sản xuất hạt nhựa nguyên sinh, bảo tồn tài nguyên không thể tái tạo. Nhựa được sản xuất từ dầu mỏ, giảm sản xuất hạt nhựa giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ.
Bên cạnh đó, thu gom và tái chế chất thải nhựa hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu hàng loạt vấn đề môi trường liên quan đến chất thải nhựa, như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất.