Khuyến khích sự chung tay của xã hội trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới quan trọng. Trong đó có quy định cụ thể về việc xác lập di sản văn hóa theo các loại hình sở hữu (toàn dân, chung, riêng) phù hợp với Bộ luật Dân sự và các quy định pháp lý liên quan. Luật Di sản văn hóa đã có quy định về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước và bổ sung quy định về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa...

Khuyến khích sự chung tay của xã hội trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản
Khuyến khích sự chung tay của xã hội trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Nhiều ưu đãi khi đưa cổ vật hồi hương

Tại Điều 51 về thu hồi, mua và đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, luật khuyến khích tổ chức, cá nhân phát hiện, thông báo với cơ quan nhà nước; mua, tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài. Trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được Bộ VH-TT-DL xác định, đề xuất, Thủ tướng quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách nhà nước mua, đưa về Việt Nam.

Bộ VH-TT-DL chỉ đạo lập danh mục và xác định giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài; đề xuất phương án thu hồi hoặc mua, cấp giấy phép nhập khẩu và đưa về nước. Cơ quan này đề xuất khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có công trong phát hiện, hồi hương di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam.

6c6975e6a27d1923406c.jpg
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có nhiều quy định mới tạo điều kiện cho việc hồi hương cổ vật

Trường hợp phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài có xuất xứ trên địa bàn, UBND cấp tỉnh tổ chức nhận diện, lập danh mục và xác định giá trị; huy động nguồn lực theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Bộ VH-TT-DL để thu hồi và đưa về nước. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam để trưng bày, bảo vệ và phát huy giá trị không vì mục đích lợi nhuận hoặc tặng cho, chuyển giao cho Nhà nước, được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế phí và lệ phí.

Cùng với nội dung mua, hồi hương cổ vật, luật bổ sung quy định lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa. Quy định này tạo cơ chế để huy động thêm các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho như bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước. Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Giải quyết những điểm nghẽn về thể chế

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời giải quyết những điểm nghẽn về thể chế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Luật cũng điều chỉnh các hành vi bị nghiêm cấm để đảm bảo tính chính xác, làm cơ sở cho công tác hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Các quy định về khu vực bảo vệ di tích cũng được làm rõ, bao gồm việc điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, II của di tích và di sản thế giới, cùng nguyên tắc và thẩm quyền thực hiện các điều chỉnh này. Ngoài ra, các quy định về sửa chữa, cải tạo công trình trong khu vực bảo vệ di tích cũng được bổ sung. Về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Luật quy định việc xử lý di vật được phát hiện và giao nộp, cũng như việc mua và đưa di vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước. Đặc biệt, một Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được bổ sung, cùng các chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống bảo tàng và cơ quan thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.

hat ca tru.jpg

Để giải quyết các bất cập và bảo đảm tính hợp hiến, luật chỉ quy định các vấn đề mới, đã được kiểm chứng trong thực tiễn và có tính ổn định cao, đồng thời sửa đổi những quy định chồng chéo, không phù hợp. Luật cũng làm rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, cũng như các nguyên tắc trong quản lý và phát huy giá trị di sản. Các hành vi bị nghiêm cấm và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quản lý di tích cũng được quy định cụ thể...

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc khai thác và sử dụng di sản văn hóa, phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản, và khuyến khích xã hội hóa trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Luật Di sản văn hóa sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.

Tin cùng chuyên mục