Trong tờ trình có một chủ trương, đó là khuyến khích người dân hợp tác, đầu tư vào các dự án chỉnh trang đô thị. Điều này có nghĩa, người dân có cơ hội tham gia và được hưởng lợi từ chính những thành quả phát triển đô thị trên quê hương mình.
Theo tờ trình, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM thống nhất với các cơ quan chức năng, ưu tiên bố trí các công trình cao tầng dọc trục giao thông chính có động lực phát triển, như trục song hành quốc lộ 22, dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương - Củ Chi)… và không gian kiến trúc thấp dần về phía sau. Tập trung bố trí cụm công trình có chức năng dịch vụ, thương mại (cao tầng) tại các khu vực trung tâm khu đô thị, nhà ga của tuyến metro số 2.
Tận dụng quỹ đất trống, hoang hóa nhằm phân bổ diện tích cây xanh và sân thể dục thể thao tập trung cho các khu dân cư. Đồng thời, khai thác cảnh quan dọc kênh hiện hữu, tổ chức mảng xanh kết hợp mặt nước tạo không gian thông thoáng, khí hậu tốt phục vụ cho người dân. Chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu theo hướng tránh xáo trộn lớn đến cuộc sống của cộng đồng dân cư. Tại các khu vực tái thiết đô thị (khu dân cư phải di dời để xây dựng mới các khu chức năng đô thị theo quy hoạch), cần ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, bên cạnh chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng phù hợp, khuyến khích người dân đồng thuận hợp tác, đầu tư vào những dự án chỉnh trang đô thị, để vừa khai thác hiệu quả sử dụng đất, dần thay đổi bộ mặt đô thị vừa cải thiện, nâng cao điều kiện, môi trường sống cho cộng đồng dân cư. Các khu ở mới sẽ được quy hoạch hiện đại với đầy đủ chức năng, đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội, kỹ thuật nhằm thu hút các nhà đầu tư cũng như đảm bảo cho khu đô thị phát triển bền vững.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Toàn, chức năng phát triển công nghiệp vẫn được duy trì ở Khu đô thị Tây Bắc TPHCM, nhưng được điều chỉnh theo hướng là công nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, dịch vụ công nghệ cao. Ngay cả Khu công nghiệp Tân Phú Trung hiện hữu cũng phải chuyển theo hướng đó. Đồng thời, tiếp tục triển khai dự án khu đô thị đại học quốc tế nhằm san sẻ áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho khu vực trung tâm hiện hữu của thành phố. Đây là dự án được ưu tiên đầu tư trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng Khu đô thị Tây Bắc TPHCM nhằm tạo động lực cho sự phát triển ở khu vực này...
Nghiên cứu phát triển về phía Tây - Tây Bắc Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, Khu đô thị Tây Bắc TPHCM được xác định là hướng phát triển phụ. Hiện nay, TPHCM đang tổ chức lập điều chỉnh tổng thể đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công văn số 136/TTg-CN ngày 1-2-2019 chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Căn cứ vào điều kiện địa hình cao, địa chất tốt tại khu vực Tây Bắc thành phố, thuận lợi để phát triển đô thị, UBND TPHCM đã có chủ trương nghiên cứu, xem xét về định hướng ưu tiên phát triển của thành phố về hướng Tây - Tây Bắc, phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay trong quá trình lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Quy mô dân số dự báo tăng thêm và sẽ được xác định cụ thể sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 được Thủ tướng phê duyệt. |