Khuyến khích nghệ sĩ lan tỏa những khát vọng lớn lao của toàn dân tộc

Ngày 6-3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 cho 389 nghệ sĩ xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu NSND cho đạo diễn Hoàng Quân Tạo, Nhà hát Kịch Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu NSND cho đạo diễn Hoàng Quân Tạo, Nhà hát Kịch Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC

Những “vốn quý của đất nước”

Tại lễ trao tặng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ và nêu rõ các NSND, NSƯT thực sự là “vốn quý của đất nước”. Dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào cũng đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

Bối cảnh mới, thời cơ mới đan xen nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao cho các lĩnh vực hoạt động nghệ thuật. Theo đó, Chủ tịch nước cho rằng, đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật phải không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm tòi thử nghiệm các phương thức biểu đạt mới phù hợp với văn hóa Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới, có nhiều tác phẩm hay, truyền tải những giá trị nhân văn, tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa; góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam.

Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa nghệ thuật và các nghệ sĩ; tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà phát huy tài năng, sáng tạo nghệ thuật…, tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh. Tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, khuyến khích nghệ sĩ thâm nhập thực tế, dấn thân vào thực tiễn rộng lớn, sinh động của đời sống xã hội, khám phá, khai thác các giá trị, vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, đưa nghệ thuật truyền thống tiến cùng thời đại, lan tỏa tình yêu cuộc sống và những khát vọng đẹp đẽ, lớn lao của toàn dân tộc.

Chủ tịch nước tin tưởng, các thế hệ nghệ sĩ với năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng và tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân…, sẽ sáng tạo nên nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật mang tầm thời đại, xây đắp nền tảng tinh thần xã hội, đóng góp to lớn hơn nữa trên hành trình đi tới của dân tộc.

Động lực cho khát vọng tận hiến vì nghệ thuật

Là nghệ sĩ cao tuổi nhất trong lễ trao tặng danh hiệu, NSND Đức Trung xúc động chia sẻ: “Đây là niềm vinh dự, hạnh phúc khi tuổi đã cao; khi bước vào tuổi 85, bên kia dốc, điều người nghệ sĩ như tôi mong muốn lúc này là được tiếp tục truyền kinh nghiệm về diễn xuất, về sân khấu tới các bạn trẻ”.

Với NSND Lê Chức, ngày hôm nay niềm vui được nhân đôi bởi trong lần trao tặng này, chị gái của ông - nghệ sĩ Lê Mai cũng được trao tặng danh hiệu NSƯT. “Chúng tôi không có một ngôn từ nào khác bằng sự đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người đồng nghiệp, khán giả đang cùng đồng hành. Thêm một danh hiệu NSND sau 26 năm là NSƯT, nghĩa là tôi nhận vinh dự nhưng đồng thời cũng là nhận thêm trách nhiệm cho mình. Trong hành trình nghệ thuật, chúng tôi không đặt ra bất kỳ điều gì khác ngoài tính trách nhiệm và kiến thức trong nghề nghiệp để trao cho những người cùng làm việc với mình và thế hệ sau”, NSND Lê Chức nhấn mạnh.

Nghệ sĩ Mỹ Uyên từ TPHCM ra, đang đóng phim ở Hà Nội, bày tỏ niềm vui: “Tôi không dám dùng từ cống hiến nhưng chắc chắn sẽ dấn thân, đóng góp hết mình suốt quãng đời còn lại”. Tại buổi lễ, NSND Thanh Lam chia sẻ: “Tôi cũng như những nghệ sĩ khác ở Nhà hát Lớn hôm nay, tất cả đều vinh dự, hân hoan bởi đây là danh hiệu ghi nhận cả chặng đường cống hiến của mình cho nghệ thuật. Tôi đã làm những gì mình mong muốn với tất cả khả năng mình có, với cái tâm trong sáng dành cho nghề nghiệp”.

“Danh hiệu là động lực là sự khích lệ, đôi khi là cả niềm tin về sự cố gắng cống hiến, phấn đấu của mình được ghi nhận”, NSND Xuân Bắc chia sẻ. Theo anh, nghệ sĩ gửi gắm tài năng qua những hình tượng nhân vật, nên quan trọng nhất với nghệ sĩ là tác phẩm nghệ thuật, là thái độ sống, là chất lượng nghệ thuật. NSND Xuân Bắc cho rằng, khi đạt danh hiệu xong, chúng ta lại bắt đầu một hành trình mới, hành trình của một nghệ sĩ có danh hiệu, và phải luôn ghi nhớ cố gắng phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu đó, không phải hôm nay, mà ngày mai và sau này nữa…

Tin cùng chuyên mục