Tuy nhiên, việc thực hiện liên thông thuế điện tử đang gặp nhiều khó khăn cả về hạ tầng và công tác phối hợp giữa ngành thuế và ngành TN-MT.
Năm 2015, trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013, quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (viết tắt giấy chứng nhận), do Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) thực hiện. Năm 2015, Cục Thuế TPHCM và Sở TN-MT TPHCM đã thông qua quy chế phối hợp trao đổi thông tin giữa 2 cơ quan này nhằm hướng đến thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”, giảm thời gian cấp giấy chứng nhận trên địa bàn TP. Theo quy chế này, khi người dân nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận sẽ không phải đến cơ quan thuế để kê khai thuế mà công đoạn này sẽ được cơ quan TN-MT phối hợp với cơ quan thuế bằng phần mềm điện tử để xác định nghĩa vụ thuế mà người dân phải nộp. Người dân chỉ cần đến bộ phận “một cửa” để nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận, sau đó nhận thông báo số thuế phải đóng và nhận giấy chứng nhận.
Thực hiện quy chế phối hợp, cơ quan thuế và ngành TN-MT đã triển khai đầu tư hạ tầng và cụ thể hóa các bước phối hợp. Theo đó, 2 bên cùng triển khai ứng dụng quản lý chung để thực hiện kết nối, trao đổi thông tin. Cụ thể, VPĐKĐĐ TPHCM phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ địa chính phía Nam, cài đặt ứng dụng liên thông thuế và triển khai thực hiện thí điểm liên thông thuế điện tử cho 24 chi nhánh VPĐKĐĐ (ứng dụng ViLIS); còn cơ quan thuế xây dựng ứng dụng quản lý trước bạ nhà. Đồng thời, 2 cơ quan này còn tổ chức nhiều buổi tập huấn ứng dụng để thực hiện các chức năng trao đổi thông tin giữa 2 bên. UBND các quận huyện, chi nhánh VPĐKĐĐ và chi cục thuế tại các quận huyện triển khai thí điểm phối hợp trong việc trao đổi, đóng góp ý kiến xây dựng ứng dụng liên thông (như các quận 6, 10, 11, 12, Tân Bình, Bình Tân). Theo ông Nguyễn Thanh Ngoan, Giám đốc VPĐKĐĐ, Chi nhánh quận 12, quy trình không liên thông thuế điện tử khiến người dân đi lại rất nhiều lần, liên hệ nhiều cơ quan; trong khi nhân sự thực hiện cần 12 cán bộ cùng 3 lãnh đạo. Còn áp dụng liên thông thuế điện tử thì người dân chỉ liên hệ 2 nơi là UBND phường và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả ở chi nhánh VPĐKĐĐ. Nhân sự thực hiện cũng giảm theo, chỉ còn 1 lãnh đạo ký duyệt hồ sơ và 2 cán bộ thực hiện chuyển phiếu. Hai năm qua các chi nhánh VPĐKĐĐ đã áp dụng quy trình trên cho toàn bộ số hồ sơ thuộc diện liên thông thuế điện tử (6 loại hồ sơ nhà đất, riêng việc chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa theo liên thông do các phòng TN-MT địa phương thực hiện) với hơn 21.200 hồ sơ năm 2017 và hơn 16.000 hồ sơ trong 7 tháng đầu năm 2018. Tỷ lệ giải quyết đạt 100%. Áp dụng liên thông còn giúp các chi cục thuế giảm được rất nhiều áp lực, không còn cảnh người dân chen chúc nộp hồ sơ, đóng tiền.
Vẫn còn bất cập
Ông Dư Huy Quang, Giám đốc VPĐKĐĐ TPHCM, cho biết trong công tác thực hiện liên thông thuế điện tử đã gặp phải rất nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, đường truyền dữ liệu chậm, chưa ổn định; đường truyền dùng chung với UBND các quận - huyện có tốc độ thấp, thường xuyên bị lỗi; thực hiện lập và gửi thông tin phiếu chuyển mất nhiều thời gian (thực hiện thao tác gửi mất hơn 5 phút/hồ sơ), có khi còn thất lạc các file tài liệu kèm theo phiếu chuyển khi truyền dữ liệu. Mặt khác, trang bị hạ tầng công nghệ thông tin tại cơ quan TN-MT còn thiếu, không đồng bộ: cấu hình máy tính yếu, không có đủ máy chủ, không đủ máy scan mà phải chụp hình nên hình ảnh truyền đi không được rõ, trang thiết bị hạ tầng mạng không đủ… dẫn tới, khi cơ quan TN-MT gửi thông tin hồ sơ qua cơ quan thuế thì cơ quan thuế báo nhận không đủ dữ liệu, trong khi ứng dụng tại cơ quan TN-MT xác nhận đã gửi thành công toàn bộ hồ sơ và ngược lại. Trường hợp phiếu chuyển thuế gửi đến cơ quan thuế, khi truyền qua Tổng cục Thuế bị tách riêng phần chữ ký số và phần dữ liệu, nên sau đó khi chuyển lại về các chi cục thuế thì không có chữ ký số. Để khắc phục, phải kết hợp thêm thao tác thủ công là cơ quan TN-MT scan phiếu chuyển thuế có chữ ký số và chuyển bổ sung file này sang cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, khối lượng tài liệu phải scan nhiều, mất thời gian cho việc chờ chuyển đi chuyển lại nhiều lần giữa 2 cơ quan (đối với hồ sơ thừa kế, tặng cho phải xác định mối quan hệ giữa bên cho và bên nhận). Ngoài ra, cơ quan thuế yêu cầu phải gửi file *.pdf của nhiều thành phần hồ sơ (thậm chí là hầu hết các thành phần của một hồ sơ, tương ứng trung bình 30MB/hồ sơ). Khi thực hiện liên thông thuế điện tử, các chi nhánh VPĐKĐĐ phải gửi dữ liệu cho Tổng cục Quản lý đất đai, rồi Tổng Cục quản lý đất đai gửi dữ liệu về Tổng cục Thuế bằng đường truyền Internet; sau đó, Tổng cục Thuế truyền dữ liệu đến Cục Thuế TP, rồi Cục Thuế TP truyền dữ liệu cho các chi cục thuế để xử lý. Cách truyền dữ liệu như vậy dẫn đến tình trạng mất thông tin, hoặc hiển thị thông tin không đầy đủ nên cơ quan thuế lại yêu cầu chi nhánh VPĐKĐĐ gửi lại thông tin, việc này làm mất thời gian giải quyết hồ sơ.
Để thực hiện tốt việc liên thông thuế điện tử trên địa bàn TPHCM, VPĐKĐĐ TP kiến nghị khẩn trương đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho các chi nhánh VPĐKĐĐ quận - huyện, nhất là máy scan, đường truyền; nâng cấp phần mềm liên thông thuế tại cơ quan TN-MT; bổ sung thêm quy định trong quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan TN-MT và thuế. Đặc biệt, dữ liệu thuế tập trung phải được kết nối với cơ quan TN-MT để việc tiếp nhận được chặt chẽ ngay từ đầu vào. Chia sẻ về nội dung này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, động viên, khuyến khích các đơn vị tiếp tục phát huy áp dụng liên thông thuế điện tử để người dân đỡ đi lại mất thời gian, giảm chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.