Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, lâu nay khi nói đến giáo dục STEM mọi người thường hiểu liên quan đến các ứng dụng máy móc cao siêu, to lớn. Song trên thực tế, “STEM chính là tạo ra môi trường học tập kích thích sự sáng tạo của học sinh, quan tâm việc cho học sinh mạnh dạn đặt câu hỏi, dạy học theo phương pháp phát huy tính sáng tạo, giúp học sinh thấy được sự liên hệ giữa kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Từ năm 2013 đến nay, Bộ GD-ĐT đã giao quyền chủ động tổ chức chương trình dạy và học cho hiệu trưởng các đơn vị, không cần tổ chức bài giảng theo từng tiết dạy truyền thống mà tổ chức theo hoạt động học, theo chủ đề, có sự kết nối nhiều môn học và kết nối giữa các hoạt động trong và ngoài lớp học.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, từ bậc THCS trở xuống, TPHCM đang thực hiện đổi mới rất mạnh mẽ phương pháp dạy và học, giáo viên được tạo điều kiện áp dụng các phương pháp dạy học tích cực. Nhưng đến bậc THPT, do còn vướng áp lực kết quả kiểm tra, đánh giá từ kỳ thi THPT quốc gia, nếu dạy học theo hướng đổi mới, sáng tạo học sinh sẽ khó đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT quốc gia nên các trường còn lúng túng trong triển khai thực hiện.
Từ thực tế đó, ông Hiếu kiến nghị trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ nên tính toán lại sao cho kiểm tra, đánh giá đầu ra đáp ứng được yêu cầu vận dụng thực tiễn để giáo viên có thêm động lực mạnh dạn đổi mới.
Thêm vào đó, theo một đại diện Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, nếu đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM, cơ quan chủ quản nên tính đến việc bổ sung kết quả đánh giá theo sản phẩm vào một trong các hình thức đánh giá kiểm tra, thi cử. “Một trong những cái khó của đổi mới chương trình là liên quan đến các vấn đề thi cử, mà đổi mới thi cử lại liên quan Luật Giáo dục. Nếu không đổi mới đồng bộ sẽ khó phát huy hiệu quả lâu dài của việc đổi mới”, vị này khẳng định.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho biết ngay cả trong ngành giáo dục, nhiều giáo viên vẫn chưa hiểu đúng về khái niệm giáo dục STEM. Vì vậy, nếu TP quyết tâm đưa vào thực hiện phải có mô hình chuẩn, từ đó triển khai thí điểm, rút kinh nghiệm rồi mới áp dụng đại trà, tránh tình trạng cứ bung ra làm ở tất cả đơn vị rồi mới tổng kết lại, mỗi nơi triển khai theo một cách khác nhau.
Giải thích thêm về định hướng giáo dục mới mẻ này, GS.TS Paul Kim, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dục sau đại học, ĐH Stanford chia sẻ, thực tế áp dụng mô hình giáo dục STEM tại hơn 30 quốc gia trên thế giới cho thấy, trẻ trong độ tuổi 4-5 tuổi có thể đặt 40.000 câu hỏi mỗi năm nhưng càng lớn học sinh càng giảm đặt câu hỏi. Khi học THPT, hầu hết học sinh không có nhu cầu đặt câu hỏi nữa mà chỉ quan tâm đến việc lắng nghe. Lên đến đại học, đặt câu hỏi trở thành điều ít gặp và khi đi làm chỉ quen với việc “được nghe lệnh”. Vì vậy, đổi mới chương trình theo định hướng giáo dục STEM đặt học sinh vào môi trường học tập không ngừng đặt câu hỏi, sau đó tự đưa ra câu trả lời cho riêng mình.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng rộng rãi mô hình giáo dục STEM như học sinh lớp 3 ở Mỹ sử dụng lego không chỉ để lắp ráp ô tô mà kết hợp với máy tính xách tay xây dựng hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, máy quay flycam, ô tô không người lái…
Lớn hơn một chút, học sinh lớp 5 thực hành mổ tim người qua hình ảnh quả tim nhân tạo được tạo ra từ máy in 3D, gắn tay giả cho trẻ khuyết tật bằng cánh tay 3D, sử dụng công nghệ mô phỏng thay đổi không gian lớp học. Giờ học trên lớp không còn mang ý nghĩa truyền thụ kiến thức mà đã giúp học sinh phát minh, thiết kế, sáng tạo ra những sản phẩm của riêng mình.