Theo TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, doanh nghiệp nên cùng Nhà nước làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về VLXD mới. Cụ thể, nên làm một số mô hình mẫu so sánh giữa 2 loại VLXD cũ và mới, đưa về một số địa phương để người dân hiểu rõ hơn về tác hại của VLXD truyền thống có thể ảnh hưởng đến chính cuộc sống của họ.
Đồng quan điểm, theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Chính phủ nên có hành động với các khung chính sách cho phép hình thành thị trường cạnh tranh lành mạnh để DN có thể sản xuất nhiều loại vật liệu bền vững cho ngành xây dựng; đồng thời khuyến khích việc thiết kế, kích cầu người tiêu dùng trực tiếp sử dụng các sản phẩm bền vững. Một số sản phẩm VLXD xanh có thể có chi phí lắp đặt, giá thành ban đầu cao hơn vật liệu truyền thống nhưng nếu xét về lâu dài, những sản phẩm công nghệ mới sẽ tiết kiệm năng lượng nhiều hơn, tối ưu hơn với vòng đời sử dụng dài hơn. Đó chính là yếu tố giúp tiết kiệm tiền cho người sử dụng, chủ đầu tư. Do đó, chỉ cần tối ưu hóa, khắc phục những điểm yếu này và tuyên truyền cho người dân hiểu thì VLXD xanh sẽ dần chiếm lĩnh thị trường và trở thành lựa chọn hàng đầu. Hiện trên thế giới, VLXD xanh đã và đang được sử dụng ở nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore… Tại các nước phát triển, tỷ lệ gạch không nung đã chiếm tới 70% trong các công trình xây dựng.