Để hạn chế tình trạng nhập khẩu phế liệu nhựa cũng như xử lý tốt nguồn thải nhựa trong nước, Chính phủ đã và đang kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư công nghệ để thực hiện việc tái chế rác thải nhựa.
Trao đổi về nội dung này, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho biết dư địa tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam còn rất lớn, cả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, hiện tại, các đơn vị sản xuất tại Việt Nam chỉ làm nguyên liệu đầu cuối nên dẫn đến phụ thuộc nước ngoài (80% nguyên liệu nhựa nhập khẩu). Một trong những nguyên nhân khiến ngành nhựa phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu là do nền công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam chưa phát triển.
Ông Hồ Đức Lam đề xuất, Chính phủ cần tập trung thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm tái chế, tạo ra thói quen sử dụng và phân loại đầu nguồn, để tận dụng hiệu quả nguồn phế liệu trong nước. Cần thiết phải có các giải pháp công nghệ - kỹ thuật thân thiện môi trường trong tái chế tái sử dụng, hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống, khuyến khích, đầu tư tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế. Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng khuyến khích các DN tái chế nhựa phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc sử dụng các chất thải nhựa phát sinh ở trong nước..
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Đặc biệt, lĩnh vực tái chế nhựa không chỉ góp phần giảm lượng chất thải nhựa thải ra môi trường, mà còn tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm nhựa, nhằm hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Nếu đẩy mạnh tái chế nhựa trong nước, chúng ta có thể đáp ứng được 50% nguyên liệu cho ngành sản xuất nhựa. |
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhìn nhận, tỷ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp, chủ yếu dựa vào lực lượng thu mua phế liệu và một số cơ sở xử lý chất thải rắn có công đoạn phân loại tách nhựa khỏi chất thải rắn. Cơ sở tái chế nhựa hiện nay chưa phát triển mạnh, bên cạnh một số nhà máy sản xuất quy mô trung bình rải rác ở một vài địa phương, hầu hết các cơ sở đều nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ lạc hậu nên hiệu quả thấp, chất lượng không cao.
Ngoài ra, do sử dụng công nghệ tái chế nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ lạc hậu nên hoạt động tái chế nhựa thường gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết thêm, việc tái chế, tái sử dụng chất thải nói chung và tái chế chất thải nhựa nói riêng chính là ưu tiên trong chính sách quản lý môi trường tại Việt Nam. Các DN tham gia tái chế chất thải nhựa đều có những cơ hội và những thách thức như nhau. Cơ hội ở đây là những chính sách khuyến khích của Chính phủ, là nhu cầu nguyên liệu của ngành sản xuất nhựa; còn thách thức chính là việc đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường thông qua việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại và việc chấp hành các quy định của pháp luật môi trường.