Thứ trưởng LÊ QUÂN: Đến nay, Bộ LĐTB-XH đã chuyển giao được 34 bộ chương trình từ Australia, Đức và đang thí điểm đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao cho khoảng 2.000 sinh viên. Người học sẽ có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận để tham gia thị trường lao động trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế. Người tốt nghiệp theo chương trình này có cơ hội học liên thông lên trình độ đại học tại hệ thống các trường của Australia, Đức. Ngoài ra, bộ cũng tiếp nhận, chuyển giao và tổ chức thực hiện đào tạo thí điểm 5 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo các tiêu chuẩn của Pháp, 8 nghề theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc tại các trường CĐ Việt Nam. Đến năm 2022, sẽ có khoảng 2.000 sinh viên tốt nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế để tham gia vào thị trường lao động trong và ngoài nước.
Thứ trưởng LÊ QUÂN: Một trong những quan điểm và định hướng phát triển các trường chất lượng cao là theo hướng “mở”. Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư cho các trường được lựa chọn để đạt tiêu chí trường CĐ chất lượng cao. Đồng thời khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa để những trường CĐ khác được đánh giá, công nhận đạt tiêu chí chất lượng cao. Như vậy, sẽ khuyến khích các DN đầu tư phát triển trường chất lượng cao, Bộ LĐTB-XH thực hiện đánh giá theo các tiêu chí, nếu đạt sẽ công nhận. Bộ cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động kỹ thuật như phát triển chương trình giáo trình, sử dụng các bộ chương trình chuyển giao, đào tạo giáo viên… để khuyến khích các trường thuộc DN sớm đạt tiêu chí trường chất lượng cao. Việc tham gia của các DN trong phát triển trường chất lượng cao còn là cùng với nhà trường tham gia hoạt động đào tạo, từ khâu thiết kế chương trình cho phù hợp với thực tế sản xuất đến hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập và đánh giá sinh viên sau tốt nghiệp.
Hiện bộ đã chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành kế hoạch tổng thể tổ chức các hoạt động gắn kết DN. Đặc biệt, trong năm 2018, 2019 đã có nhiều hoạt động ký kết hợp tác giữa tổng cục với nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam... Thông qua các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp 3 bên “Nhà nước - Nhà trường - DN” bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn. Một số trường CĐ làm rất tốt việc này, có cam kết với học viên sau tốt nghiệp không có việc làm sẽ hoàn trả học phí, điển hình như Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, Trường CĐ Cơ giới và Thủy lợi, Trường CĐ Kỹ nghệ II, Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội...
PHÓNG VIÊN: Năm 2018, các trường CĐ nghề chỉ tuyển sinh được khoảng 200.000 sinh viên trên tổng số hơn 2 triệu sinh viên, Bộ LĐTB-XH đã có giải pháp gì cho vấn đề này, thưa ông?
Thứ trưởng LÊ QUÂN: Hiện nay, khoảng 50 trường CĐ công lập đang được xem xét sáp nhập và giải thể do không đảm bảo chất lượng. Các trường tuyển sinh kém chủ yếu do trước đây dạy lý thuyết là chính, nên giờ chuyển sang dạy nghề, thực hành thì có khó khăn. 3 năm qua, kết quả tuyển sinh CĐ và trung cấp đạt khoảng 500.000 sinh viên/năm. Kết quả này đã cao hơn số lượng tuyển sinh đại học. Đây là tín hiệu đáng mừng. Mục tiêu đến năm 2021, khi quy hoạch xong mạng lưới trường CĐ công lập, mỗi trường sẽ tuyển sinh khoảng 1.500 - 2.000 sinh viên/năm.
Bộ LĐTB-XH đã tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện những giải pháp như có nhiều cơ chế chính sách tạo thuận lợi, ưu đãi, hấp dẫn để thu hút người học; gắn kết tuyển sinh, tổ chức đào tạo với thị trường lao động, thúc đẩy triển khai cơ chế phối hợp 3 bên “Nhà nước - Nhà trường - DN”… Ngoài ra, thời gian tới, bộ chú trọng đẩy mạnh đào tạo lại cho lao động, do đó, các chương trình huấn luyện nghề nghiệp sơ cấp dưới một năm sẽ là phổ biến. Đây cũng là xu hướng đúng, không nên chạy theo bằng cấp mà hướng đến cần gì học đó và học tập suốt đời.
PHÓNG VIÊN: Hiện nay có bao nhiêu trường đã đạt tiêu chí và đến năm 2020 có đạt được chỉ tiêu 40 trường CĐ chất lượng cao hay không?
Thứ trưởng LÊ QUÂN: Theo mục tiêu của đề án trước đây là đến năm 2018 có khoảng 15 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao; năm 2019 có thêm khoảng 15 trường và năm 2020 có khoảng 40 trường chất lượng cao. Tuy nhiên, mục tiêu năm 2018, 2019 chưa thực hiện được. Trong quá trình tổ chức đánh giá thí điểm cho thấy một số tiêu chuẩn tại các tiêu chí chưa thể đánh giá được, như: tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hệ trung cấp đạt bậc 2/5, hệ CĐ đạt bậc 3/5 của tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; tỷ lệ học sinh, sinh viên và nhà giáo đạt trình độ tiếng Anh, tin học theo chuẩn TOEIC, IC3...
Tại quyết định điều chỉnh bổ sung lần này, Thủ tướng có giao Bộ LĐTB-XH quy định tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường CĐ chất lượng cao. Các chuyên gia đã hoàn thiện tiêu chí mới và dự thảo quy trình đánh giá công nhận. Hiện đang tổ chức triển khai đánh giá thí điểm tại 8 trường để hoàn thiện tiêu chí cũng như quy trình đánh giá.
Bộ LĐTB-XH sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai đồng bộ các nội dung công việc, như phê duyệt danh sách các trường CĐ đạt tiêu chí để hỗ trợ và công nhận chất lượng cao; quy định tiêu chí, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá, công nhận trường CĐ chất lượng cao; tiếp tục đào tạo thí điểm theo 34 bộ chương trình được chuyển giao từ Australia và Đức cho khoảng 2.000 sinh viên. Từ năm 2020 trở đi sẽ đào tạo nhân rộng 12 bộ chương trình đã chuyển giao từ Australia. Năm 2022 sẽ đào tạo nhân rộng 22 bộ chương trình đã chuyển giao từ Đức. Bên cạnh đó, tiếp tục đề xuất Chính phủ có chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo phục vụ trực tiếp cho việc hình thành các trường CĐ chất lượng cao. |