Ngày 23-1, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM tổ chức Hội thảo “Thích ứng già hóa dân số tại TPHCM, tiếp cận từ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thống kê năm 2022, số lượng người trên 60 tuổi tại thành phố là 1.033.355 người, chiếm 11,03% dân số. TPHCM đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số. Già hóa dân số tại thành phố chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.
“Hiện người cao tuổi Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ không tự chăm sóc trong sinh hoạt do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe tại thành phố vẫn chưa thích ứng già hóa dân số nhanh”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin.
Đồng thời cho biết, việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được triển khai đồng bộ và mang tính lâu dài.
Góp ý giải pháp trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TPHCM cho rằng, xu hướng phát triển của mô hình viện dưỡng lão ở Việt Nam là xu thế tất yếu; tuy nhiên, để phát triển mô hình này, cần có chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, thành lập các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi như: giao đất miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất...
“Nếu thực hiện sẽ giảm bớt rào cản về giá khi người cao tuổi tham gia ở các viện dưỡng lão, bởi hiện giá thu có nơi trên 20 triệu/tháng, đa số người cao tuổi rất khó tiếp cận”, bà Phạm Thị Mỹ Lệ thông tin.
Trước thực trạng này, bà Mỹ Lệ góp ý, cần tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho các cơ sở dưỡng lão hiện hữu và tăng số lượng cơ sở dưỡng lão công lập. TPHCM cần xây dựng cơ sở dưỡng lão cấp huyện để chăm sóc người cao tuổi và đề xuất các bệnh viện có khoa lão để theo dõi sức khỏe của người cao tuổi