Trên các diễn đàn trực tuyến, bài viết “Bằng đại học loại giỏi nhưng vẫn thất nghiệp” thu hút nhiều bạn trẻ và phụ huynh quan tâm. Câu chuyện này cũng không xa lạ gì, một bộ phận người trẻ tốt nghiệp đại học nhưng làm trái ngành và hiện tại trong làn sóng ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều bạn trẻ cất hẳn tấm bằng loại khá, loại giỏi để gia nhập vào đội xe công nghệ, giao hàng “áo xanh”, “áo đỏ”, vì tìm việc quá khó khăn. Không ít doanh nghiệp cũng từng đăng đàn tuyển dụng nhưng lại ngao ngán trước những ứng viên đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ xếp loại giỏi nhưng khả năng làm việc thực tế gần như chỉ bằng 0. Những vấn đề từ thực tế đưa ra, dẫu không thể phủ nhận, nhưng kết luận đến cùng, việc học và tấm bằng đại học vẫn luôn cần thiết. Bởi sự trưởng thành nào cũng cần vun bồi từ thể chất đến tinh thần và một người dẫu tài năng đến mức nào đi chăng nữa vẫn cần một phông kiến thức nền thật vững chắc.
Tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ Anh, nhưng công việc hiện tại là nhân viên truyền thông, phụ trách phát triển thương hiệu cá nhân, Nguyễn Hoài Anh Thư (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Công việc và ngành học của tôi chẳng liên quan gì, lúc mới bắt đầu vào công ty nhận việc gần 1 năm trời, cái gì tôi cũng không biết. Nhưng học hỏi đồng nghiệp, làm sai thì làm lại, tham dự nhiều sự kiện của công ty, tôi quen dần và tích lũy kinh nghiệm cho mình. Dù trái ngành học, nhưng có tấm bằng đại học, có phông kiến thức nền giúp mình nhìn nhận cuộc sống, công việc tốt hơn”.
Hàng loạt bài viết thu hút sự quan tâm của người trẻ trên mạng xã hội như: “Không đại học vẫn làm tỷ phú”, “Bằng đại học có cũng như không”, “Người thành công có lối đi riêng”… Ở góc nhìn cá nhân, không có đúng cũng không có sai vì ai cũng có lý lẽ từ góc độ của riêng mình. Nhưng việc học và tấm bằng đại học vẫn luôn cần thiết cho mỗi người, bởi kiến thức dù lớn dù nhỏ không phải tự nhiên mà người ta có được.
Đại học chưa chắc là con đường duy nhất để lập nghiệp, nhưng đó là con đường ít cạm bẫy, trao cho người trẻ một kiến thức chuyên môn nhất định và phấn đấu một cách nghiêm túc sẽ chẳng có tấm bằng hay kiến thức nào là vô dụng cả… Và người đi trước, hiểu rõ những khó khăn, thuận lợi của từng ngành nghề, công việc khác nhau thì cũng đừng khuyên bất kỳ ai bỏ học, lớp trẻ bỏ học rồi thì lấy đâu ra người có chuyên môn, trình độ?