Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho rằng, trong các con đường để hình thành đội ngũ doanh nhân trong thời đại 4.0, sách là một trong những phương tiện quan trọng, thậm chí quan trọng hàng đầu.
Ông Nguyễn Nguyên lấy dẫn chứng từ các doanh nhân thành công trên thế giới ngày nay, từ tỷ phú kinh doanh tài chính như Warren Buffett đến các tỷ phú công nghệ như Bill Gate và Steven Job; tỷ phú đi lên từ thất bại Jack Ma hay tỷ phú sáng tạo Elon Musk, họ đều là “những con mọt sách”. Trong đó, Bill Gate đọc khoảng 50 cuốn mỗi năm; Elon Musk nhiều hơn, mỗi ngày dành gần 10 giờ để đọc sách.
Cho đến lúc này, lợi ích của việc đọc sách có lẽ là vấn đề không cần bàn cãi, mà quan trọng là tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy việc đọc. Giống với thực tế chung, việc phát triển văn hóa đọc nơi công sở hiện gặp nhiều khó khăn, trong đó có 2 nguyên nhân chủ yếu là không có thời gian (áp lực công việc, gia đình, bạn bè…) và đa số các công ty, doanh nghiệp không quá chú trọng đến việc đưa văn hóa đọc vào việc đào tạo doanh nghiệp, dẫn đến nhân viên và ngay cả người quản lý ít có cơ hội được tiếp cận với các đầu sách phù hợp với mình.
Trong bối cảnh đó, chia sẻ của bà Nhan Húc Quân, tác giả cuốn sách Phép màu để vượt lên chính mình, một trong 10 cuốn sách đáng đọc vừa được vinh danh tại Tuần lễ Doanh nhân và sách năm nay, đồng thời đang là lãnh đạo của một doanh nghiệp, được xem là gợi ý thiết thực. Theo đó, công ty của bà Nhan Húc Quân đã gắn việc đọc sách vào KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc), mỗi năm lãnh đạo cũng như nhân viên phải đọc 4 cuốn sách; đồng thời tặng sách nói cho các đối tác và khách hàng vào những dịp lễ, tết.
Nhìn ở phương diện rộng hơn, ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Alpha Books, nhận định, việc phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp đòi hỏi một chiến lược và cách tiếp cận toàn diện, trong đó mục tiêu chính là biến doanh nghiệp trở thành một tổ chức học tập. Muốn được như vậy, cần xây dựng hệ sinh thái bao gồm 3 cột trụ chính: Sách và tri thức; không gian đọc và các hình thức khuyến đọc, trao đổi, thảo luận; các hoạt động khuyến đọc thông qua giải thưởng/vinh danh và con người.
“Muốn văn hóa đọc thật sự hoạt động và hiệu quả thì cần các hoạt động khuyến khích đọc sách, hướng dẫn/đào tạo các kiến thức có trong sách, các cuộc thi/giao lưu đọc sách giữa các doanh nghiệp, chỉ số xếp hạng văn hóa đọc cho các doanh nghiệp…”, ông Nguyễn Cảnh Bình nói thêm.