Theo ghi nhận, hiện nay trên địa bàn tỉnh Long An và Tiền Giang, người trồng thanh long đã chặt bỏ bớt diện tích thanh long để chuyển sang trồng cây ăn trái và một số loại cây khác.
Ông Trương Quốc Phương (ấp 7, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) có gần 10 năm trồng thanh long với diện tích hơn 10ha cho biết, “Hai năm nay bị ảnh hưởng dịch bệnh nên gia đình lỗ tiền phân thuốc, chưa kể chi phí thuê nhân công từ 35.000 đồng/giờ đã tăng lên 40.000 đồng/giờ. Năm ngoái tôi đã phá một ít diện tích thanh long để lên liếp trồng đu đủ, đến nay đã có trái bán, số tiền thu cũng đủ chi phí đi chợ cho gia đình. Năm nay tôi đã phá gần 1ha thanh long dự kiến sẽ trồng dừa. Diện tích thanh long còn lại gia đình vẫn giữ, hy vọng các cửa khẩu sớm thông quan.”
Ông Võ Thành Long, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành cho biết, toàn xã có khoảng 800ha diện tích đất trồng thanh long. Hiện nay, khoảng 10% diện tích thanh long bị đốn bỏ, chủ yếu là thanh long mới gầy khoảng 2-3 năm và thanh long đã quá già cỗi. Vì thanh long độ tuổi này cần nhiều phân thuốc, nên người dân đốn bỏ, trồng các loại cây ăn trái khác: đu đủ, bưởi da xanh, dừa, na (mãng cầu ta), ổi…
“Địa phương đã phối hợp với ngành chức năng khuyến cáo bà con cố gắng giữ vườn, chờ ngành chức năng có định hướng vì thanh long là cây chủ lực trên địa bàn xã. Thời gian tới địa phương định hướng trồng thanh long theo VietGap và ứng dụng công nghệ cao để có hướng chuyển xuất khẩu sang các nước khác như Ấn Độ, Nhật, Mỹ… không lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết, do tình hình dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất của nước ta là Trung Quốc bị “đóng băng” hơn 1 năm qua. Hiện tại người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tin dùng trái thanh long Việt Nam, nhưng do chủ trương “zero Covid” của nước này, khiến trái cây Việt Nam xuất vào thị trường Trung Quốc (hầu hết xuất tiểu ngạch) gặp rất nhiều khó khăn. Thanh long loại 1 chỉ mua giá trên dưới 5.000 đồng/kg, các loại khác giá 3.000 đồng/kg, không đủ chi phí sản xuất, người trồng bị lỗ.
Ông Trịnh chia sẻ, chỉ khi dịch Covid-19 được khống chế ở cả Việt Nam và Trung Quốc, xuất khẩu thanh long mới phục hồi lại như trước, người trồng mới có lời. Về lâu về dài, cần mở rộng thị trường, bớt lệ thuộc vào Trung Quốc; đồng thời chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch thay cho con đường tiểu ngạch hiện nay.
Tại huyện Chợ Gạo, nơi có diện tích thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang, tình hình cũng không khả quan hơn.
Ông Lê Anh Thủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo cho biết, nông dân đã ngừng canh tác gần 20ha trên tổng số gần 600ha diện tích thanh long trong xã do giá thanh long không bù được chi phí sản xuất. Diện tích thanh long bị phá bỏ chủ yếu là cây già cỗi, phải tốn nhiều công và chi phí duy trì, trong khi giá thanh long đang rất thấp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, trong đề án “Phát triển cây thanh long của tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” quy hoạch với diện tích khoảng 9.000ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích trồng thanh long của tỉnh đã vượt mục tiêu về diện tích của đề án hơn 700ha. Người nông dân sản xuất tự phát rất khó kiểm soát, chính quyền địa phương và ngành chức năng không thể quản lý được người sản xuất, nếu có cũng chỉ áng chừng.