Ngày 30-5, Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cho biết, nông dân có heo để bán lúc này không nhiều, chủ yếu là các cơ sở nuôi lớn, doanh nghiệp nước ngoài… mới “đủ lực” duy trì đàn heo, sau thời điểm giá sụt thê thảm của năm 2017.
Hiện tại, nhiều hộ dân tính toán đầu tư nuôi lại, nhưng vẫn phập phồng nỗi lo rớt giá liệu có tái diễn.
Trước tình hình trên, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo, dù giá heo trong nước đang lên “cơn sốt” và cao hơn cả giá heo ở Thái Lan, Trung Quốc… Tuy nhiên, rất khó dự đoán có duy trì được lâu dài không. Nếu giá heo trong nước tiếp tục tăng thì không loại trừ nguy cơ heo từ nước ngoài nhập vào nước ta.
Ngoài ra, nếu nông dân tăng đàn ào ạt lúc này thì phải tới 4- 5 tháng sau mới có heo để bán – khi đó thị trường nhiều khả năng sẽ có thay đổi.
Vấn đề quan trọng lúc này là nông dân cần áp dụng biện pháp tăng đàn heo theo tự nhiên; đồng thời tập trung đầu tư nâng cao chất lượng con giống, chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành… nhằm phát triển bền vững.
* Trong khi đó, giá tôm thẻ ở ĐBSCL giảm liên tục xuống mức 60.000- 70.000 đồng/kg (loại 100 con/kg) làm hàng loạt hộ nuôi thua lỗ, dẫn đến tình trạng một số hộ “treo ao” không dám nuôi trở lại.
Phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, tôm thẻ giảm mạnh thời gian qua là do tác động chung của thế giới, việc này mang tính thời điểm.
Các doanh nghiệp cần tập trung vào chế biến sản phẩm tôm sạch, chất lượng… để xuất khẩu vào những thị trường khó tính, tăng giá trị cho con tôm.