Nhiều người vẫn xem thường công tác phòng cháy
Theo PC07, tình hình cháy, nổ ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao về số vụ (trên 50%) và thiệt hại về người, tài sản (83%). Trong đó, nhiều vụ cháy để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Điển hình là vụ cháy nhà dân trên đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP Thủ Đức làm 6 người chết xảy ra rạng sáng 30-3. Vào 5 ngày trước, ngày 25-3, xảy ra vụ cháy tại căn nhà cấp 4 nằm trong một con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8).
Dù lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã đến hiện trường nỗ lực dập lửa nhưng không cứu được hai vợ chồng chủ hộ và con gái. Lửa thiêu rụi nhiều tài sản, vật dụng trong căn nhà.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp nhiều vụ cháy xảy ra trên địa bàn TPHCM, gây ra những cái chết thương tâm, vụ sau đau thương hơn vụ trước.
Trước tình hình trên, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước “Bà Hỏa” trong mùa nắng nóng như hiện nay, Phòng PC07 Công an TPHCM đưa ra khuyến cáo các chủ hộ và các thành viên trong gia đình không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu; không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy trong nhà ở. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy; không sạc điện thoại, thiết bị tiêu thụ điện ban đêm. Trên thực tế, nhiều vụ cháy xuất phát từ bất cẩn trong nấu nướng và để lại hậu quả nghiêm trọng.
Đại úy Nguyễn Văn Duy, cán bộ tuyên truyền của Phòng PC07 Công an TPHCM cũng khuyến cáo, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra các ổ điện, vật dụng dễ cháy, các gia đình nên lắp đặt thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh, từng thiết bị điện tiêu thụ công suất lớn; bố trí nơi thờ cúng hợp lý, an toàn.
Cùng với đó, các hộ gia đình hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường trần, vách ngăn; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt thiết bị điện không cần thiết. Đặc biệt, các hộ gia đình không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa; chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.
Theo Đại úy Nguyễn Văn Duy, dù được các cơ quan chức năng tuyên truyền về cháy nổ, nhưng do chủ quan, nhiều người dân vẫn xem thường công tác phòng cháy trong gia đình mình. Phòng PC07 Công an TPHCM cũng khuyến cáo mỗi gia đình nên tự đặt ra các tình huống thoát nạn khi xảy ra cháy để kịp thời ứng phó, tự trang bị bình chữa cháy. Đồng thời gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC&CNCH (số 114) hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất để được hỗ trợ.
Lơ là trách nhiệm kiểm tra, giám sát
“Rất nhiều vụ cháy lan sang khu dân cư và các cơ sở sản xuất kinh doanh, gây hậu quả lớn”, một lãnh đạo Phòng PC07 Công an TPHCM cho biết. Qua khám nghiệm hiện trường các vụ hỏa hoạn, Công an TPHCM nhận định nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố hệ thống thiết bị điện tại các nhà dân và các công ty, doanh nghiệp.
Ghi nhận cho thấy, phần lớn vụ cháy xảy ra tại các nhà kho, nhà xưởng, nhà trong khu dân cư đông đúc, vì vậy công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, công tác PCCC cũng gặp khó do ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, các hẻm nhỏ nên xe cứu hỏa khó tiếp cận…
Nguy cơ cháy nổ luôn rình rập, trong khi việc phối hợp, kiểm tra của ngành chức năng chưa thường xuyên, một số nơi còn tình trạng buông lỏng. Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng PC07 Công an TPHCM, Luật PCCC quy định khá rõ trách nhiệm của Cảnh sát PCCC là hướng dẫn, kiểm tra hoạt động PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy; UBND các cấp có trách nhiệm PCCC tại địa phương.
Pháp luật đã quy định, cơ quan quản lý nhà nước về PCCC có nhiệm vụ thẩm duyệt, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC của chủ đầu tư, chủ phương tiện đối với các dự án, công trình xây dựng. Tuy nhiên, thực tế, theo ghi nhận trên địa bàn TPHCM, vẫn còn tình trạng lơ là giám sát, kiểm soát PCCC tại nhiều khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng. Thậm chí nhiều nơi chưa qua thẩm duyệt, chưa đủ điều kiện PCCC nhưng dân cư đã đến ở đông đúc.