Sau một chặng đường dài đầy khó khăn, với nhiều cuộc tranh luận căng thẳng, nhiều vướng mắc trong thực tiễn đến mức phải áp dụng một số giải pháp tình thế đặc biệt (Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16-6-2022 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030), Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - khuôn khổ quan trọng nhất, định hình sự phát triển của đất nước trong 30 năm tới đã được xác lập.
Theo đó, Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua trong phiên họp cuối cùng trước khi bế mạc kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên nước ta có một bản quy hoạch tổng thể quốc gia.
Theo nghị quyết, Việt Nam phấn đấu tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500USD. Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%...
Nếu như những chỉ tiêu quan trọng này được hiện thực hóa, đến năm 2050, Việt Nam sẽ là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu. Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trở thành quốc gia biển mạnh, một trung tâm kinh tế biển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương… Cũng vào năm 2050, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,5%-7,5%/năm; GDP bình quân đầu người khoảng 27.000USD-32.000USD (theo giá hiện hành); tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%-75%.
Để hiện thực hóa những mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, đời sống của người dân hạnh phúc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc - như đã nêu rõ trong bản quy hoạch này - còn rất nhiều thách thức phải vượt qua. Trước hết, là vấn đề thể chế - như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại phiên thảo luận ở tổ đại biểu Quốc hội TPHCM. Chính sách và cơ chế phù hợp để khai thác nguồn lực từ đất đai cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi), cần được nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện. Cùng với đó là khuôn khổ luật pháp nhằm phát triển các loại thị trường vốn như: thị trường chứng khoán, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm; chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các điều kiện về hạ tầng và nhân lực cũng cần được chuẩn bị kỹ càng, nâng cấp cả về lượng và chất để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Và, không hề sớm khi quyết liệt thực hiện ngay những giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng trục lợi từ quy hoạch nói chung, đặc biệt là các quy hoạch cấp thấp hơn. Ngay từ tháng 4-2022, khi quy hoạch tổng thể còn đang trong quá trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã gửi đến UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn “chỉ nhận tài trợ bằng tiền, không nhận tài trợ bằng sản phẩm quy hoạch” nhằm đảm bảo tính khoa học, khách quan của quy hoạch. Bên cạnh đó, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin quy hoạch. Hơn nữa, trong suốt quá trình thực hiện quy hoạch, cần có sự phân công, phân cấp rõ ràng đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện các thẩm quyền được phân cấp, đặc biệt là thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch.