
Nhà hát kịch TPHCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn xiếc TPHCM đều có bề dày lịch sử và những thuận lợi nhất định - hàng năm đều được nhà nước hỗ trợ kinh phí từ vài trăm triệu đến hơn 2 tỷ đồng cho một đơn vị. Nhưng trên thực tế, các đơn vị này đang lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng…
- Chuyện thật như đùa…
Nơi đang được xem là khủng hoảng về diễn viên nhất, đó là Nhà hát kịch TPHCM (tiền thân của đơn vị này là Đoàn kịch nói Nam bộ, Đoàn kịch Cửu Long Giang, Đoàn kịch TPHCM – nơi mà trước kia nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng từng gắn bó như: Can Trường, Văn Chiêu, Bích Lâm, Kim Cúc, Kim Chung, Thành Trí, Tú Lệ...).

Nhà hát kịch TPHCM - vừa được tu sửa khang trang - nhưng chỉ còn 3 diễn viên.
Thế nhưng, bây giờ cả nhà hát có 34 cán bộ, công nhân viên, trong đó diễn viên chỉ còn… 3 người. Đó là nghệ sĩ Anh Tuấn, Chánh Thuận và Diễm Trinh. Vì thiếu diễn viên nên mỗi khi dựng vở mới, nhà hát phải chạy đôn chạy đáo mời gọi các diễn viên, sinh viên ở các đơn vị nghệ thuật, trường cao đẳng sân khấu điện ảnh, văn hóa nghệ thuật của thành phố về cộng tác.
Chính điều này đã đẩy nhà hát vào thế bị động, cũng một vở diễn mà hôm nay khán giả thấy diễn viên này, hôm sau lại là một gương mặt khác. Không cần nói cũng hiểu chất lượng vở diễn sẽ như thế nào! Gần đây nhất, vở kịch thể nghiệm “Huyền thoại cuộc sống” (tác giả, đạo diễn Lê Quý Dương) được nhà hát thực hiện để chào mừng 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với kinh phí dàn dựng lên tới 150 triệu đồng, mời các diễn viên Mỹ Uyên, Kim Khánh, Minh Béo tham gia.
Thế nhưng, sau công diễn được 3 suất, những diễn viên này bận việc… không diễn nữa, buộc nhà hát phải thay diễn viên khác và tất nhiên mọi công đoạn được bắt đầu lại từ đầu, nghĩa là… tập tuồng cho dàn diễn viên mới!
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng rơi vào tình trạng… trống vắng diễn viên. Trước đây, nhà hát là nơi hội tụ của các thế hệ nghệ sĩ trưởng thành từ Đoàn cải lương Nam bộ, Đoàn cải lương Giải Phóng, Đoàn cải lương Văn Công khu Sài Gòn – Gia Định, từng được Nhà nước phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Lao động hạng hai… Nhưng nay lực lượng diễn viên đang ít dần.
Trước đây, nhà hát có 3 đoàn: Đoàn 1, Đoàn 2 và Đoàn xung kích với trên 50 cán bộ, diễn viên. Năm 2003, Đoàn xung kích bị giải tán chỉ vì lý do… tinh giản biên chế! Mặc dù đây là đoàn có nhiều thành tích trên mặt trận tuyên truyền văn hóa, phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba. Thế mà chỉ còn 2 đoàn: 1 và 2, lực lượng diễn viên vẫn luôn thiếu.
Mỗi lần dàn dựng vở diễn mới hoặc đi lưu diễn ở các tỉnh đều phải mời tăng cường thêm nghệ sĩ. Nhà hát Trần Hữu Trang không chỉ khủng hoảng về lực lượng diễn viên trẻ, mà cả đội ngũ làm công tác tổ chức biểu diễn, tiếp thị, kinh doanh của nhà hát cũng thiếu trầm trọng, nhiều vị trí bị bỏ trống không có người đảm trách. Trong khi đó, ai cũng biết đối với một đơn vị nghệ thuật, đội ngũ chuyên viên này giữ vai trò rất quan trọng, có thể quyết định cả sự tồn tại và phát triển của đơn vị.

Vở cải lương “Rồng Phượng” của Nhà hát Trần Hữu Trang gây ấn tượng với khán giả nhờ sự tăng cường của các nghệ sĩ Thoại Mỹ và Kim Tử Long.
Họ chính là những người kiến tạo, mang lại “nồi cơm” cho anh em của nhà hát. Có ai ngờ rằng một nhà hát như nhà hát Trần Hữu Trang hoàn toàn không có làm công tác kinh doanh, tiếp thị, quảng cáo thương hiệu? Đó lại là sự thật!
Đoàn xiếc TPHCM - nơi có nhiều diễn viên được đào tạo ở nước ngoài về tham gia và có sự đầu tư tiền của, mua nhiều loại thú: voi, chó, khỉ, ngựa, gấu… để biểu diễn xiếc nhưng đến nay vẫn chưa được chuyên nghiệp hóa điểm tập, điểm diễn. Tất cả hướng phát triển lâu dài của đoàn đều nằm trong hai chữ “tạm thời”.
Từ năm 1990, Đoàn xiếc được thành phố giao cho rạp Lệ Thanh, số 187 – 189 Trần Hưng Đạo B, quận 5 làm nơi tập luyện, nhưng vì không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, rạp đã bị xuống cấp trầm trọng, đe dọa tính mạng diễn viên. Địa điểm này hiện không còn được đoàn sử dụng tập luyện nữa. Rạp bạt tại Công viên 23-9, nơi tổ chức biểu diễn, cũng… chỉ là tạm thời. Hàng tháng đoàn phải chi trên 20 triệu đồng cho công tác bảo vệ vì hàng rào ở đây rất tạm bợ.
- Người trong cuộc nói gì?
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Thành – Giám đốc Đoàn xiếc TPHCM cho biết: “Hiện nay, lực lượng diễn viên của đoàn khá ổn định với trên 60 người, độ tuổi từ 18 đến 22. Chúng tôi đang có nhiều kế hoạch để phát triển đoàn xiếc, tuy nhiên, chưa “an cư” thì chưa thể “lạc nghiệp”. Trước đây, thành phố có kế hoạch xây dựng rạp xiếc tại Phú Thọ, quận 11. Ở đó vừa có thể nuôi thú, vừa tập luyện và biểu diễn.
Dự tính địa diểm này sẽ khánh thành vào đúng dịp chào mừng 30 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng đến nay, vì mặt bằng chưa giải tỏa xong nên chưa thể khởi công xây dựng. Năm 2005, đoàn có dự án gởi 25 diễn viên sang Trung Quốc đào tạo từ 4 đến 6 tháng, chỉ mong khi các em về mọi thứ đã ổn định để còn phát huy được hiệu quả học tập, biểu diễn”.

Địa điểm diễn tạm thời của Đoàn xiếc TPHCM tại Công viên 23-9.
Ông Quốc Hùng – Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thừa nhận: “Thật tình, chúng tôi đang muốn trải thảm mời các diễn viên “ngôi sao” về làm việc với nhà hát, nhưng chẳng ai mặn mà (?). Còn công tác tổ chức biểu diễn, tiếp thị, kinh doanh là khâu đang thiếu mà nhà hát rất cần tìm người có năng lực về làm việc, giúp nhà hát hoạt động tốt hơn, nhưng suốt mấy năm nay tìm hoài… chẳng có ai(?!).
Bên cạnh đó, chúng tôi chưa thể chủ động được nguồn kịch bản trong tình hình sân khấu cải lương đang thiếu đội ngũ tác giả có tay nghề như hiện nay. Trong năm 2005, nhà hát được Sở VHTT TPHCM giao kế hoạch dựng 8 vở, nhưng tới nay chỉ mới dựng được 2 vở, 6 vở còn lại chưa tìm được kịch bản hay. Cái khó nhất của nhà hát hiện nay là kịch bản, tìm đỏ mắt mới được một kịch bản hay…”.
Trước tình trạng khủng hoảng diễn viên, nghệ sĩ Khánh Hoàng - Giám đốc Nhà hát kịch TPHCM khẳng định: “Để đảm bảo số lượng kịch mục của nhà hát, chúng tôi sẽ tiếp tục mời các diễn viên về cộng tác theo từng vở diễn, suất diễn. Tuy nhiên, về lâu dài thì nhà hát đã mở lớp đào tạo diễn viên trẻ, để các em vừa học vừa tham gia biểu diễn.
Hy vọng sau 4 - 5 năm, nhà hát sẽ có được một thế hệ nghệ sĩ trẻ bổ sung. Điều rất mừng là gần đây chúng tôi đã tuyển chọn được một số bạn trẻ phụ trách công tác tiếp thị, kinh doanh của nhà hát. Công tác tiếp thị bắt đầu phát huy, nhiều khán giả (có cả khách nước ngoài) dần dần biết đến thành phố có Nhà hát kịch TPHCM, thường xuyên diễn tại rạp Công Nhân…”.
Qua thực tế của 3 đơn vị nghệ thuật nhà nước vừa nêu trên, mọi chuyện đều có thể khắc phục được. Nếu như các đơn vị luôn có những chiến lược, được hoạch định từ trước để phát triển, cùng sự hỗ trợ kịp thời của các ngành, các cấp từ đầu tư sửa chữa, nâng cấp điểm diễn, điểm tập, cho đến việc chuẩn bị đội ngũ diễn viên kế thừa, tình hình sẽ sáng sủa hơn.
ĐỖ HẠNH – VÕ TUẤN