Dữ liệu kinh tế cho thấy áp lực này thể hiện rõ nhất ở Mỹ. Theo báo cáo vừa công bố của Phòng Thương mại Mỹ (USCC), cuộc khủng hoảng thiếu nhân công ở Mỹ đã trở nên tồi tệ hơn. Trong tháng 3, có đến 8,1 triệu việc làm bị “bỏ trống”. Số lao động hiện có trên mỗi công việc chỉ ở mức 50% so với mức trung bình quốc gia trong 20 năm qua và tỷ lệ này tiếp tục giảm.
Đáng chú ý, tình trạng này lại diễn ra khi có đến 10 triệu người Mỹ ở tình trạng thất nghiệp chính thức.
Theo một cuộc khảo sát của USCC được thực hiện vào tháng 5, thiếu nhân công khiến nền kinh tế trong khu vực của các bang chậm lại và phần lớn doanh nghiệp đang cảm thấy rất “khó khăn” trong việc tìm, thuê lao động. Các bang có tỷ lệ lao động thấp nhất tại Mỹ hiện nay là South Dakota, Nebraska và Vermont.
Có nhiều yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng “mất kết nối” giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Nổi bật là việc người lao động ung dung sống nhờ khoản trợ cấp thất nghiệp, hay tâm lý lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khi đi làm ảnh hưởng đến gia đình.
Ngoài ra, còn có trường hợp buộc phải nghỉ làm do nơi làm việc thiếu nhiên liệu sản xuất, hoặc chuyển đổi công tác. Tuy nhiên, tình trạng này có thể không kéo dài trong thời gian tới, sau khi giới chức Mỹ có những biện pháp thắt chặt kiểm soát trợ cấp. Chính phủ Mỹ đã ngừng Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) hỗ trợ gần 800 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Chương trình PPP được đưa ra trong khuôn khổ gói cứu trợ thuộc Đạo luật CARES ban hành vào tháng 3-2020, hỗ trợ các khoản vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp nhỏ và không cần phải hoàn trả nếu đáp ứng một số điều kiện. Đây là một trong những biện pháp mà Washington triển khai nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp hàng loạt và gián đoạn kinh doanh do đại dịch, bao gồm hỗ trợ tiền mặt cho các cá nhân và mở rộng trợ cấp thất nghiệp.
Châu Âu cũng rơi vào tình trạng tương tự khi các nền kinh tế đang bắt đầu giai đoạn mở cửa trở lại. Tại các thành phố lớn như London (Anh) và Berlin (Đức), các ngành kinh doanh dịch vụ đang vất vả tìm nhân viên. Nhiều nhà tuyển dụng ở Anh cho biết, công dân các nước Liên minh châu Âu (EU) đã rời nước này, trong khi số khác lựa chọn tiếp tục tạm nghỉ thay vì tìm việc mới cho tới khi lệnh phong tỏa chấm dứt.
Ở khu West End tại London, số người sử dụng ga tàu điện ngầm Oxford Circus trong tuần làm việc chỉ tương đương mức 35% của hồi đầu tháng 3-2020, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các văn phòng trong khu tài chính vắng bóng người.
Theo thống kê của công ty quản lý bất động sản CBRE, tỷ lệ văn phòng còn trống hiện ở mức 12,4%, trong khi tỷ lệ còn trống cao nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chỉ là 9,4%. Tình trạng này diễn ra sau khi nước Anh thực hiện chương trình nghỉ phép kéo dài, trong đó chi trả tới 80% tiền lương (cho khoảng 10 triệu nhân viên của khu vực tư nhân) trong giai đoạn đại dịch.
Ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu, các cuộc khảo sát doanh nghiệp mới nhất cho thấy, việc thuê nhân viên ngày càng khó khăn. Chỉ tính riêng ở Pháp và Đức, có tới 5 triệu công nhân đang tạm thời nghỉ việc tính đến cuối quý 1-2021. Để thu hút số lượng lớn người muốn đi làm trở lại, giới tuyển dụng châu Âu đang tính đến kế hoạch tăng lương và hướng đến các chính sách phúc lợi mới.